Hoạt động của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) 6 tháng đầu năm chưa ngấm đòn đại dịch Covid-19 lần thứ 4 nên hoạt động sản xuất kinh doanh và đăng ký thành lập mới vẫn tăng. Nhưng “đòn đánh” thứ 4 của dịch Covid-19 khiến cả chủ đầu tư và các đơn vị môi giới đều đang gồng mình gắng sức, đặc biệt các đơn vị môi giới gần như đóng cửa toàn bộ.
Nhiều doanh nghiệp khó khăn, dừng hoạt động
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh doanh BĐS là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh (tăng 44,8%), số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là 831 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn tiếp tục duy trì thực hiện kế hoạch, mục tiêu lợi nhuận cao hơn năm 2020.
Đơn cử như trong năm 2021, Novaland có kế hoạch bàn giao 18 dự án gồm Saigon Royal Residence, The Grand Manhattan, Golden Mansion, Orchard Parkview… và nhiều dự án khác tại các tỉnh thành gồm Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu với mục tiêu doanh thu 27.491 tỷ đồng, tăng 447% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế 4.100 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2020.
Năm nay được coi là khó khăn của doanh nghiệp BĐS, do đó, các doanh nghiệp rất cần sự trợ giúp của Chính phủ về cơ chế chính sách cũng như lãi suất cho vay. (Ảnh: TL). |
Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 12.230 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.008 tỷ đồng. Để đạt kế hoạch kinh doanh trên, Vinaconex sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện và áp dụng các biện pháp đẩy mạnh công tác bán hàng tại KĐT mới Cái Giá Cát Bà Amatina (Vinaconex ITC), dự án Tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond số 93 Láng Hạ (Hà Nội), dự án KĐT đại lộ Hoà Bình (Quảng Ninh) kéo dài...
Còn các doanh nghiệp môi giới, từ cuối tháng 4/2021 chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, do đó chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn. Tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch BĐS thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như: CTCP dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, CTCP Đầu tư và kinh doanh BĐS Hải Phát Land, Tập đoàn Cengroup… mới tiếp tục duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, hầu hết các sàn giao dịch đều hoạt động theo phương thức kinh doanh bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch BĐS chỉ làm trung gian môi giới hầu như phải tạm dừng hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, trong đợt này dịch bệnh trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn dự kiến, đây là yếu tố bất khả kháng, khiến tất cả các doanh nghiệp BĐS gần như dừng hoạt động.
Gỡ khó về vốn, lãi suất
Đánh giá về thực trạng doanh nghiệp BĐS, theo bà Hương, hiện có một số nhóm doanh nghiệp lớn bao gồm các chủ đầu tư, có nguồn lực đầu tư lớn, có các nguồn vay đảm bảo triển khai các hoạt động đầu tư dài hạn. Khi dịch bệnh tới sẽ tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp này. Nhóm 2 là các doanh nghiệp môi giới đa phần là nhỏ và vừa, chiếm 60-70%, hoạt động dựa trên sản phẩm của chủ đầu tư, họ có thể gồng được một thời gian ngắn nhưng dài hạn là khó khăn.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, từ năm 2019 VCCI đã gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo nhanh về sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh BĐS, đấu thầu.
Khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, tâm lý thận trọng hơn của nhóm các nhà đầu tư, những kênh đầu tư lướt sóng như vàng và chứng khoán đều chưa khiến các nhà đầu tư thực sự an tâm khi xuống tiền.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, năm 2021, cơ hội và các dòng đầu tư BĐS nhiều hơn, song cũng đòi hỏi các doanh nghiệp và các nhà đầu tư chủ động và tích cực hơn trong thay đổi tư duy, mô thức kinh doanh phù hợp, an toàn và hiệu quả hơn…
Dự báo về tình hình thị trường, bà Nguyễn Thị Thanh Hương nhìn nhận, dịch bệnh nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài, có thể đến quý IV/2021 doanh nghiệp mới được hoạt động trở lại. Thị trường BĐS theo đó sẽ có cơ hội phục hồi.
Do đó, hiện các doanh nghiệp đang rất cần sự trợ lực từ phía các cơ quan Chính phủ, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết.
Các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa số các chủ đầu tư dùng vốn vay rất nhiều để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng rất lớn. Các ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ và giảm để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào quý IV năm nay.
Còn với những doanh nghiệp môi giới, để có thể duy trì được hoạt động, họ cần trả chi phí mặt bằng, nhân viên, họ cũng rất cần đến vốn vay để trả lương.
“Chúng tôi dự báo, thị trường những tháng cuối năm không chỉ phụ thuộc vào kịch bản kiểm soát dịch bệnh doanh nghiệp rất cần trợ lực thêm từ Chính phủ thông qua việc tháo gỡ rào cản chính sách, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực trong thời gian sắp tới”, bà Hương nói.
Hải Sơn