Hạ tầng là yếu tố quan trọng để thu hút "đại bàng" làm tổ (Ảnh: Int) |
Thời gian gần đây, Goertek – hãng lắp ráp tai nghe AirPods của Apple đã chi 260 triệu USD xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh). Một loạt tên tuổi khác cũng đã chọn Việt Nam là điểm dừng chân từ khi thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ như TCL, Hanwha, Yokowo, Huafu… Một loạt doanh nghiệp khác như Foxconn, Lenovo, Nintendo, Sharp, Kyocera hay Asics đang xem xét việc xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam…
Gia tăng nguồn cầu
Theo ông Đặng Trọng Đức, Phó Tổng giám đốc KTG industrial, hiện tại bất động sản công nghiệp (BĐSCN) tại Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, kinh tế phát triển vượt bậc, nguồn vốn FDI đang được đổ vào Việt Nam rất nhiều để đầu tư sản xuất, đầu tư vào BĐS. Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc sau câu chuyện thương chiến Mỹ - Trung xảy ra, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Trong báo cáo quý III/2020 của CBRE Việt Nam cũng cho thấy, Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ về phát triển công nghiệp nhờ vào chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sang.
Các khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lớn nhanh chóng được lấp đầy trong bối cảnh nhu cầu về phát triển công nghiệp tăng cao. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp tại các tỉnh/thành phố lớn phía Bắc và phía Nam đều 90%. Giá thuê của một số khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương ở phía Bắc và TP. HCM, Bình Dương, Long An ở phía Nam tăng từ 20% đến 30% so với năm trước.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐSCN, trong những năm gần đây, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có những thay đổi kịp thời về chính sách, quản lý, đây là một trong những yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển của các khu công nghiệp
Ông Ngô Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn và thiết kế GIZA Việt Nam cho rằng, Chính phủ đã kịp thời quy hoạch ngành khu công nghiệp để tập trung để phát triển hạ tầng phù hợp với các ngành nghề. Đơn cử như chuyên sản xuất ô tô, điện tử, cơ khí, may mặc…
Đồng thời, Chính phủ cũng quan tâm, ủng hộ chuỗi các dự án sản xuất liên quan đến ô tô, chuỗi của dệt may, tránh việc các nhà đầu tư nước ngoài mang những công nghệ chưa tốt đến Việt Nam, ảnh hưởng đến môi trường.
Về hệ thống logicstic, trước đây các công ty nước ngoài đầu tư vào thường đã có hệ thống bài bản, nhưng nay, điểm sáng là doanh nghiệp nội đã bắt nhịp vào lĩnh vực này. Đặc biệt là lĩnh vực giao thương và thương mại điện tử, đây là một thị trường quan trọng của Việt Nam, sắp tới cũng được đánh giá là thị trường 30-40 tỷ USD.
Ngoài ra, Chính phủ cũng tạo ra liên kết vùng, liên kết nội khu giữa các khu công nghiệp trong tỉnh, cũng như trong một khu vực, địa bàn đầu tư giúp giảm thiểu các chi phí đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu.
Hạ tầng chưa đồng bộ
BĐSCN là một phân khúc rất tiềm năng song cũng không phải “miếng bánh” ngon. Nếu như hạ tầng làm nâng giá trị của phân khúc BĐS nhà ở, thì với dự án BĐSCN các yếu tố hạ tầng còn quan trọng hơn rất nhiều. Phát triển khá rầm rộ trong năm 2018-2019 và đã có nhiều thuận lợi về môi trường pháp lý nhưng lĩnh vực này cần nhiều hơn những cú huých từ chính sách, hạ tầng để thực sự phát triển và phát triển có chất lượng, bền vững.
Theo ông Lê Anh Dũng, Giám đốc Kinh doanh tập đoàn TNI Holding Việt Nam, bản thân doanh nghiệp vẫn luôn kiến nghị Chính phủ tạo ra được hành lang thông thoáng cho việc đền bù giải phóng mặt bằng và hạ tầng về giao thông cao tốc, giao thông cảng. Đây là 3 thứ mà doanh nghiệp trăn trở.
“Những vấn đề hiện tồn tại liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng và các vấn đề tương tác với địa phương; đấu nối hạ tầng bao gồm hệ thống về đường cao tốc, đường giao thông, thủy lợi, điện nước..”, ông Dũng nói.
Còn ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc TCT Vigalacera-CTCP cho rằng, những nhà đầu tư lớn họ có quyền lựa chọn, đòi hỏi, do đó Việt Nam cần có một số chính sách tốt, chính sách cho sản xuất lâu dài. Đồng thời, phải đáp ứng về hạ tầng tốt chuyên nghiệp, cũng như là các dịch vụ đi theo phải chuyên nghiệp.
Đơn cử như khi Samsung vào Việt Nam họ đòi hỏi hạ tầng chuyên nghiệp, cho nên khu công nghiệp phải có hai nguồn điện dự phòng, hai nguồn nước dự phòng. Còn về chính sách, họ cũng rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Chính phủ.
Ông Ngô Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn và thiết kế GIZA Việt Nam cho biết, tại các khu công nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… hạ tầng kỹ thuật của họ hơn chúng ta rất nhiều. Họ đã có phát triển các tuyến đường trục chính, đầu tư rất bài bản, lớn. Nhưng ở Việt Nam gặp một vấn đề là một số khu công nghiệp mới, khu công nghiệp phát sinh nằm trong quy hoạch mới, chưa được đấu nối vào khu công nghiệp chính, thậm chí nhiều khu công nghiệp hình thành nên mà còn chưa có đường dẫn vào đã gây khó khăn cho logicstic.
"Chính hạ tầng, logicstic, kết nối với các cảng, là những yếu tố đầu tiên và tiên quyết để các nhà đầu tư lựa chọn", ông Tiệp nói.
Những năm gần đây khu công nghiệp của Việt Nam đã có cơ sở hạ tầng tốt hơn nhưng do quá trình phát triển còn thiếu bài bản nên hạ tầng vẫn là vấn đề còn yếu, cần được quan tâm đầu tư phát triển. Chỉ đến khi có hệ thống hạ tầng tốt các nhà đầu tư nước ngoài mới lựa chọn để phát triển.
Minh Trang