Điểm mặt những dự án BĐS từ Bắc chí Nam như: ở Hà Nội là chuỗi dự án của Vina Megastar, Tricon Tower, AZ Lâm Viên, Habico Tower; các “vết sẹo” nham nhở tại Đà Nẵng gồm Golden Square, Danang Centre, Vien Dong Meridian Tower; và giữa lòng Tp.HCM phải kể tới tòa tháp 41 tầng Saigon One Tower, dự án PetroVietnam Landmark Tower… không biết khi nào mới hoàn thiện.
Đình đám một thời
Khi mới giới thiệu ra thị trường, nhiều dự án mang trong mình vẻ hào nhoáng và những thông tin đầy cuốn hút người mua. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, các dự án này bắt đầu “chết lâm sàng” mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn.
Cụ thể, ở Hà Nội, công trường Hanoi Times Tower trong khu đô thị Văn Phú không có bóng dáng công nhân và máy móc hoạt động; hay chuỗi dự án của Vina Megastar, Tricon Tower, AZ Lâm Viên, Habico Tower cũng đang trong tình trạng tương tự.
Còn tại Đà Nẵng, những dự án như Golden Square từng được giới thiệu là một khu phức hợp gồm trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp_nằm tại bốn mặt tiền trung tâm thành phố Đà Nẵng do tập đoàn Alphanam Group_làm chủ đầu tư, song hiện nay cũng đang nằm trong tình trạng chờ được hồi sinh. Tương tự như vậy là các dự án Golden Square, dự án Danang Centre, Vien Dong Meridian Tower cũng chưa biết thời gian nào mới hoàn thành.
Trong khi đó, giữa lòng Tp.HCM, dự án tòa tháp 41 tầng Saigon One Tower từng được giới thiệu là dự án khủng với nguồn vốn đầu tư khoảng 238 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng) được xây dựng trên khu đất có diện tích 6.672m2 với 5 tầng hầm và 41 tầng cao, tổng diện tích sàn 127.126m2. Dự kiến sau khi hoàn thành, Saigon One Tower sẽ là tòa nhà cao thứ ba tại Tp.HCM (trên 195m), đứng sau Bitexco Financial Tower (68 tầng, cao 262m) và The One Saigon (55 tầng, cao 240m).
Bên cạnh đó, các dự án PetroVietnam Landmark Tower, 584 Tân Kiên cũng đang được chủ đầu tư chạy vạy khắp nơi để mong dự án được khởi động lại. Song niềm hy vọng thật mong manh và không biết bao giờ khách hàng mới nhận được căn hộ hoàn thiện.
Cuộc khủng hoảng BĐS nhiều năm trước như cơn đại hồng thủy đã nhấn chìm không biết bao nhiêu doanh nghiệp, dự án khiến cho hệ lụy dai dẳng kéo tới tận ngày nay vẫn chưa thể giải quyết. Đâu đâu cũng thấy công trường trơ sắt nhọn hoen gỉ và nghe được những câu chuyện về hàng nghìn người mua nhà rơi vào tình thế mắc kẹt, tiền đã trao mà không biết khi nào mới nhận được nhà.
![]() |
Để cứu thành công các dự án “chết lâm sàng”, các chủ đầu tư nên tính toán kỹ bởi một khi “sa chân” sẽ chẳng những không cứu được mà mình còn bị “chết” theo.
Khó cứu dự án chết
Trong khi đó, thực tế cho thấy nhiều chủ đầu tư ngoại được cho là có nhiều kinh nghiệm và tài chính tốt cũng phải lao đao. Như Tập đoàn Berjaya (Malaysia) đang vật lộn với dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế và Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Tp.HCM mà chưa thể khởi động dù đã được cấp phép cách đây nhiều năm.
Theo giới chuyên gia BĐS, các dự án trên chủ yếu tập trung vào những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm hoặc “chết” sau cú hích hạn chế nguồn vốn của ngân hàng. Chỉ những doanh nghiệp yếu vốn mới hay trông chờ vào nguồn vốn từ ngân hàng, trong khi đó, ngân hàng lại thắt chặt tín dụng BĐS, đồng thời nâng lãi suất cho vay có lúc vượt 20% để đối phó với lạm phát tăng cao. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp hoàn toàn bế tắc về vốn, khiến việc đầu tư không có lãi mà ngược lại, biến nhiều dự án thành mở ra chỉ “để đó”.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác là những năm trước, khi thị trường BĐS đang trên đỉnh cao, các doanh nghiệp đua nhau đầu tư vào BĐS với nhiều doanh nghiệp tay ngang đến từ các lĩnh vực kinh doanh khác như bánh kẹo, thủy sản, xuất nhập khẩu, taxi, phân phối dẫn tới tình trạng cung nhiều – cầu ít nên việc thu hút nguồn vốn từ trong dân không còn. Dẫn tới, những dự án này đi vào “ngõ cụt” và buộc phải dừng đầu tư.
Trước hiện trạng đó, Nhà nước cũng như nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài hiện đang dần “khởi động” lại những dự án này song tình hình khả quan của việc “cứu sống” dường như chỉ là thông tin ban đầu mà chưa có điểm sáng.
Cụ thể, hiện tại có nhiều “đại gia” BĐS đang bắt đầu chiến dịch mua lại những dự án chết này, trong đó Novaland là cái tên được nhắc tới với tần suất khá dày bởi ngay từ đầu năm 2013 đến nay, Novaland đã mua lại gần 40 dự án “chết lâm sàng” từ các doanh nghiệp khác. Tiếp đến là Hưng Thịnh Corp, một đại gia cũng đã vực dậy thành công hàng chục dự án.
Tuy nhiên, vấn đề khiến các nhà đầu tư “đau đầu” nhất đối với những dự án này là việc giải quyết nợ ngân hàng lớn bởi nhiều chủ đầu tư cũ đã thu tiền của khách hàng và đầu tư dang dở vào dự án, nguồn tiền không còn, nên chủ đầu tư mới khi mua lại gặp rất nhiều rủi ro. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như các vấn đề về nợ thuế sử dụng đất hoặc thuế VAT…
Vì vậy, để cứu thành công các dự án “chết lâm sàng”, nhiều chuyên gia BĐS đưa ra lời khuyên cho chủ đầu tư là nên tính toán kỹ bởi một khi “sa chân” sẽ chẳng những không cứu được mà mình còn bị “chết” theo.
Đăng Trung