Thống kê của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (PTNNNT) về đất đai cho thấy, đất sản xuất nông nghiệp phân tán, nhỏ lẻ, manh mún.
Có hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp Việt Nam có diện tích dưới 0,5 ha/mảnh. Trong khi đó ở Thái Lan có 14 triệu mảnh ruộng quy mô trên 22 ha/mảnh; Trung Quốc có 8,8% diện tích đất có quy mô trên 3 ha/mảnh, 0,1% diện tích đất có quy mô 30-70 ha/mảnh.
Doanh nghiệp khó trăm bề
Bà Trần Thị Thanh Nhàn, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, nêu ra một trường hợp doanh nghiệp (DN) điển hình gặp rào cản trong tiếp cận, tích tụ đất đai.
Theo đó, DN A. làm đơn xin dự án trồng chè từ năm 2015 gửi UBND Tp, UBND tỉnh và nhận được hướng dẫn (thời gian 3 tháng). Sau đó, DN tự thuê người kiểm kê rừng và Sở NN&PTNT xác nhận kiểm kê rừng (chi phí hết 100 triệu đồng). DN phải hoàn thiện các thủ tục khác như giấy chứng nhận đầu tư, văn bản đền bù giải phóng mặt bằng (thời gian một năm).
Tiếp đến, tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, đồng thời yêu cầu DN đổi mảnh đất khác trong khu đất dự án của tỉnh. DN đã chấp nhận, nhưng một điều oái oăm là DN không được tìm mốc cũ để xác nhận, do đó DN thuê tìm mốc giới chi phí 200 triệu đồng (thời gian một năm).
Tuy nhiên, khi DN làm xong thủ tục thì được thông báo đợt trước xin trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016, năm 2017 chưa có kế hoạch nên phải đăng ký lại. Nhưng đến nay, năm 2018 sắp qua đi mà DN vẫn chưa nhận được đất.
Bà Nhàn cho rằng việc gặp rào cản này là do lịch sử để lại, liên quan đến cơ chế, số liệu thống kê không đầy đủ. Bên cạnh đó là vấn đề đất nông lâm trường chưa giải quyết triệt để và cơ sở dữ liệu đo đạc cắm mốc thiếu, không cập nhật… Điều này đã ảnh hưởng đến tiến trình tích tụ đất đai và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Thêm nữa, DN tiếp cận đất đai còn khó khăn ở vấn đề chuyển quyền sử dụng đất giữa nông dân – DN. Cụ thể, DN mua đất của dân giao lại cho chính quyền để chính quyền chuyển giao lại cho DN.
Tuy nhiên, trên thực tế, DN thuê của dân phải trả rất cao, nhưng khi giao lại cho Nhà nước lại được thanh toán thấp hơn nhiều. Đơn cử như DN trả cho dân 300 triệu đồng, nhưng khi Nhà nước thanh toán chỉ được 100 triệu đồng.
"Chính vì điều này, DN không mặn mà thuê đất của người dân", bà Nhàn nói.
Ông Võ Thành Minh, Phó Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết ở tỉnh này, DN cũng gặp rào cản trong việc tích tụ đất đai. Nguyên nhân là đất manh mún, nên DN cần phải thương lượng với quá nhiều hộ để có đủ đất cho dự án nên rất khó và mất nhiều thời gian. Thêm nữa, DN còn tâm lý e ngại phát sinh các vụ kiện cáo, tranh chấp dân sự về thuê đất với nông dân.
DN hiện vẫn khó khăn trong việc tích tụ đất đai |
"Điểm sáng" tích tụ đất đai
Những khó khăn về tích tụ đất đai của các DN nông nghiệp rất rõ. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những "điểm sáng" về tích tụ, có thể nói đó là những chính sách kịp thời của địa phương, tạo điều kiện cho DN tạo quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam, chia sẻ những năm qua, tỉnh này đã thí điểm cơ chế tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư vào sản xuất thông qua việc chính quyền cấp xã, huyện đứng ra thuê đất của dân (20 năm), sau đó cấp tỉnh ký hợp đồng cho DN thuê lại đúng như thời gian thuê đất và giá thuê của dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn do nông dân giữ.
"Người dân vẫn băn khoăn sau 20 năm đất còn của họ không. Chính quyền đã phải đứng ra bảo đảm vấn đề này và cam kết với dân", ông Ngọc chia sẻ.
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam ứng ngân sách trả tiền thuê đất cho các hộ dân trong thời gian thuê đất 20 năm, sau đó DN trả tiền thuê đất 10 năm đầu ngay sau ký hợp đồng, sau 10 năm nộp trả hết số tiền thuê đất còn lại.
Đây là một điểm mới trong việc tích tụ đất đai giao cho DN của tỉnh này mà nhiều địa phương cũng đang kỳ vọng học tập.
Theo như đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, sở dĩ DN không muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp là do sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, rủi ro cao.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn bỏ ra lần đầu lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Tuy nhiên, với chính sách tạo thuận lợi, hỗ trợ cho DN tích tụ đất đai nên nhiều DN ở tỉnh này đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, ông Ngọc đề xuất Chính phủ và Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013, vì nếu để DN tự thỏa thuận với người dân để thuê đất đầu tư nông nghiệp như quy định của Luật là rất khó thực hiện.
Thêm nữa, Chính phủ cần sớm phê chuẩn đề án thí điểm tích tụ, tập trung đất đai để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Phạm Minh