Bất động sản vùng ven và các quận huyện mới có tốc độ tăng giá hơn các quận trung tâm (Ảnh TL) |
Hiện nay, thị trường nhà ở tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn được đánh giá có nhiều triển vọng bởi nguồn cầu lớn. Bởi tính đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 37%, thấp hơn so với các nước Đông Nam Á (50%) và Châu Á (51%). Tốc độ đô thị hóa chậm cho thấy tiềm năng lớn cho sự phát triển trong tương lai.
Thời điểm tốt để đầu tư
Mặc dù nhiều ý kiến ra vào không nên dùng đòn bẩy tài chính đầu tư bất động sản, nhưng chị Hoàng Thị Thu Hằng (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn quyết định mua ngôi nhà ở phố Kiều Mai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Lý giải cho việc này, chị cho biết, lãi suất cho vay hiện đang rẻ, rẻ nhất từ trước tới nay kể từ sau khi Chính phủ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Hơn nữa, trước đó căn nhà này có giá 7 tỷ đồng, nay chủ nhà làm ăn thua lỗ bán với giá 5,5 tỷ.
Chị Minh Ngọc (Hạ Long, Quảng Ninh) cũng quyết định mua một căn chung cư 2,7 tỷ đồng ngay tại quận Nam Từ Liêm của một nhà đầu tư thứ thấp cắt lỗ, trước đó, căn hộ này có giá 3 tỷ đồng.
Theo khảo sát, từ đầu tháng 8/2020, từ khi dịch Covid-19 lần thứ hai bùng phát trở lại, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất các gói hỗ trợ cho vay mua nhà. Mức lãi suất ưu đãi hiện dao động từ 6,49 - 11,5%/năm. Giới chuyên gia nhìn nhận, giảm lãi suất cho các khoản vay thế chấp mua nhà sẽ hỗ trợ kích thích nhu cầu vay thế chấp nhà mới cũng như tái cấp vốn cho khoản vay mua nhà hiện tại.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa phân tích, hiện nay lãi suất ngân hàng đang có xu hướng giảm rõ nét, điều này sẽ kích thích các ngành nghề kinh doanh ổn định, tiêu dùng tăng lên. Đây cũng chính là cơ hội cho nhu cầu mua nhà để ở, để đầu tư.
Theo ông Quang, không lúc nào dễ mua bất động sản như thời điểm này. Doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng cũng đang hỗ trợ người mua rất nhiều. Nếu có tiền nhàn rỗi thì thời điểm này nên mua một bất động sản mà mình yêu thích. Đặc biệt, tâm lý của người Việt Nam là vẫn thích bất động sản, coi bất động sản là một tài sản giá trị. Hơn nữa, đầu tư bất động sản sau một thời gian quay lại sẽ thấy giá trị tăng lên rất nhiều, ổn định và có lãi hơn các kênh đầu tư khác.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Nhà ở CBRE Việt Nam cho hay, dù dịch bệnh kéo dài, nhưng các dự án vẫn có mức độ hấp thụ cao. Theo khảo sát của CBRE, khả năng bán hết căn hộ trong đợt mở bán đầu tiên khoảng 70%, nhu cầu cao đã thúc đẩy thị trường phát triển. Nếu có giảm giá, chỉ có ở thị trường thứ cấp khi nhà đầu tư cắt lỗ, còn thị trường sơ cấp giá tăng nhẹ.
Lựa chọn vị trí và dự án
Phân tích về sự lựa chọn đầu tư bất động sản trong giai đoạn này, một số chuyên gia bất động sản cho rằng, chắc chắn thị trường sẽ hồi phục trong một sớm một chiều và sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.
Thực tế cho thấy, quá trình đô thị hóa, tăng trưởng dân số mạnh mẽ và quy mô hộ gia đình giảm tạo ra nguồn cầu về nhà ở. Riêng thị trường nhà ở tại Hà Nội, tốc độ đô thị hóa chậm cho thấy tiềm năng lớn cho sự phát triển của tương lai.
Ngoài nguyên nhân trên, thêm nguyên nhân là do nguồn cung bất động sản hiện nay đang khan hiếm. Mặt khác, những quỹ đất đẹp tại khu vực trung tâm thành phố hiện không nhiều, khách hàng mua nhà không có nhiều sự lựa chọn về sản phẩm. Các dự án có vị trí đắc địa đều được phát triển ở phân khúc bất động sản cao cấp và định giá rất cao.
Ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý kinh doanh bộ phận kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội cho biết, với những lý do trên, những dự án có vị trí đẹp, đầy đủ pháp lý, chủ đầu tư uy tín sẽ khó có chuyện giảm giá.
Cũng theo vị chuyên gia này, trái ngược với thị trường sơ cấp, giá bất động sản thứ cấp lại đang có xu hướng giảm do làn sóng cắt lỗ từ các nhà đầu tư. Theo đó, với tác động của dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính do làm ăn thua lỗ hoặc chịu áp lực trả lãi ngân hàng đã buộc phải thanh lý sản phẩm bất động sản.
Ông Thêm cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên tham khảo đầu tư tại các khu vực mới phát triển của Hà Nội như Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh... Sản phẩm đầu tư nên là đất nền hoặc nhà thấp tầng.
“Các bất động sản này sẽ có khả năng sinh lời tốt hơn trong tương lai so với bất động sản tại khu vực nội đô. Hiện khu vực này đang rất ít dự án, nếu có, đều rất đắt và chỉ bán cho khách hàng mua để ở”, ông Thêm nói.
Thực tế hiện nay, nguồn cung cho thị trường chủ yếu đến từ các huyện ngoại thành.Theo đó, năm 2016, huyện Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 10% nguồn cung. Trong quý II/2020, bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 27% nguồn cung. Tổng số giao dịch tại các huyện tương đương 22% tổng số giao dịch trong nửa đầu năm 2020 nhờ hoạt động tốt của khu vực phía Đông.
Bên cạnh đó, theo ông Thêm, các nhà đầu tư nên quan tâm đến dự án tại khu vực có quy hoạch hạ tầng phát triển thuận lợi. Hạ tầng và vị trí là hai yếu tố liên quan trực tiếp đến thanh khoản, giá bán sản phẩm và khả năng tăng giá trong tương lai.
Phạm Minh