Đất nền vẫn là phân khúc mà các chuyên gia khuyến nghị đầu tư |
Các chuyên gia cho rằng, kinh tế thế giới và Việt Nam đang hồi phục tích cực bắt đầu từ quý III/2020 và dự báo GDP Việt Nam năm 2021 có thể tăng trưởng khá từ 6,5-7%. Với các dự báo này, thị trường bất động sản (BĐS) cũng được kỳ vọng phục hồi nhanh hơn.
Không nên "lướt sóng"
Anh Quốc Hùng (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, trong giai đoạn này, đầu tư vào kênh nào cũng lo ngại, gần đây có thêm khoản tiết kiệm, anh muốn đầu tư vào BĐS nhưng còn băn khoăn do diễn biến dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát, kinh tế khó khăn, thị trường năm 2021 liệu có hồi phục không?
Ở một góc độ khác, chị Tuyết Mai (Cầu Giấy) đứng ngồi không yên khi 3 căn hộ chung cư và 2 mảnh đất nền vùng ven được đầu tư từ đầu năm 2019 đến nay vẫn chưa "thoát hàng". Đồng thời, chị lo ngại thị trường BĐS xuống dốc và thoái trào, muốn nhanh chóng “rút chân” ra khỏi thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, với điều kiện nước ta đã khống chế dịch ổn định, thì đây cũng sẽ là cơ hội để đầu tư. Tất nhiên, thị trường vẫn chưa quay trở lại như trước khi có dịch, nhưng rõ ràng sẽ phục hồi và phát triển bền vững hơn.
Khẳng định BĐS vẫn là kênh đáng để đầu tư vào lúc này và trong trung hạn, tuy nhiên, ông Thịnh khuyên, nếu đầu tư BĐS vào lúc này hoặc năm sau, nên chú trọng vào các dự án đồng bộ, có tiềm năng tăng giá trong trung dài hạn, không nên "lướt sóng".
Ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Đất Xanh miền Bắc cho biết, đối với nhà đầu tư, bất kể diễn biến trên thị trường ở giai đoạn có dịch bệnh hay không thì khi thị trường xuống đáy là lúc nên mua. Thêm nữa là tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt.
“Hiện tại nên tập trung phân tích 2 yếu tố chính của đầu tư BĐS, đó là tính duy nhất và tính tích lũy. Nên xem xét số tiền là bao nhiêu, căn nhà có đặc tính như thế nào, vị trí ở đâu, hướng ra sao, kinh doanh được gì, tạo ra bao nhiêu dòng tiền, tối đa dòng tiền như thế nào?... Chắc chắn khi kiểm soát được dịch bệnh thì giá BĐS sẽ tăng”, ông Nghĩa nói.
Liên quan đến băn khoăn lo lắng của nhà đầu tư về BĐS có thoái trào không, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho hay, Việt Nam mới bắt đầu vào giai đoạn phát triển vàng, đô thị hoá gần 40%. Trong khi đó, theo kinh nghiệm của thế giới, BĐS quốc gia phát triển mạnh khi tỷ lệ đô thị hoá trên 40%, đó là giai đoạn phát triển thịnh vượng.
“Về trung và dài hạn, BĐS Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Đầu tư BĐS phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Đầu tư phân khúc nào, vị trí của BĐS ở đâu và thời điểm đầu tư là khi nào?… Do đó, nếu mới đầu tư một sản phẩm BĐS nhưng chưa thấy tăng giá thì không thể nhận định là thị trường chung bước vào giai đoạn suy thoái”, ông Hà nhấn mạnh.
Lựa chọn phân khúc đầu tư
Đầu tư BĐS như các chuyên gia phân tích, phụ thuộc vào phân khúc, vị trí, thời điểm… để có thể có lời. Theo ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, phân khúc đất nền vẫn có sức hấp dẫn nhất trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để đầu tư an toàn, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các thông tin pháp lý, quy hoạch, tính thanh khoản cũng như cân đối khả năng tài chính. Đất nền thường không dành cho những nhà đầu tư có số vốn hạn hẹp, hoặc phải đi vay để đầu tư.
“Nhiều nhà đầu tư cũng đang quan tâm đến đất nền nghỉ dưỡng xung quanh các đô thị du lịch. Dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định, ngành hàng không và du lịch sẽ là mũi nhọn được kích cầu trên thế giới. Theo đó, phân khúc đất nền nghỉ dưỡng ven biển như Quảng Ninh, Quy Nhơn, Ninh Thuận, Phan Thiết, Buôn Mê Thuột sẽ có nhiều cơ hội”, ông Doanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, thị trường BĐS tiếp tục ghi nhận dòng tiền hướng tới các sản phẩm nhà ở bình dân, chung cư bảo đảm chất lượng và tiện ích, đất thổ cư và nhà riêng có giấy tờ hợp pháp và địa điểm đắc địa. Đây cũng là kênh đáng lưu ý để đầu tư.
Ngoài ra, sự phục hồi và mở rộng hoạt động kinh tế của doanh nghiệp trong nước cũng là một trong những nguồn cầu chính để phát triển BĐS công nghiệp thời gian tới. Tuy nhiên, BĐS công nghiệp chỉ dành cho những nhà đầu tư trường vốn và có khả năng liên kết kinh doanh tốt.
Ở một góc nhìn xa hơn, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, xu hướng hiện nay còn đầu tư BĐS vào đô thị thông minh. Theo đó, phát triển đô thị thông minh là xu hướng tất yếu, ở Việt Nam có đầy đủ các yếu tố cho đô thị thông minh phát triển. Các đô thị tương lai phát triển bắt buộc phải có yếu tố thông minh vì nhu cầu của người dân là rất cao.
“Giá của BĐS tại các khu đô thị thông minh đương nhiên sẽ phải cao hơn. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ quản lý toà nhà sẽ quyết định đến giá cả, chất lượng đô thị và sự thành công của dự án trong tương lai và sau này”, ông Hà nhấn mạnh.
Phạm Minh