Đầu tháng 7 vừa qua, sau 2 năm gánh nợ nhà băng 1,3 tỷ đồng, anh Hoàng Đăng Thức (TP.Bắc Giang) chính thức thoát thành công lô đất đấu giá trị giá gần 3,2 tỷ đồng, lỗ 150 triệu đồng so với giá mua vào, chưa kể tiền lãi ngân hàng "ngốn" hơn 180 triệu đồng.
Một thời “nhảy múa”
Số vốn 1,3 tỷ đồng, theo anh Thức, được vay tại một ngân hàng trong nhóm “big 4”, lãi suất khoảng 7%/năm. Để vay được với lãi suất này, anh Thức làm hồ sơ vay theo diện kinh doanh hộ gia đình, có thể tất toán nợ bất kỳ thời gian nào.
“Tính ra tôi lỗ khoảng 300 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí đi lại, thời gian. Nhưng cũng còn may là vay ngân hàng lãi suất không quá cao, thoát được hàng sớm. Có người bạn của tôi chót ôm tới 6 lô, vay vốn lãi suất lên tới 13%/năm, giờ mới thoát được 2 lô, nguy cơ lỗ chồng lỗ. Đúng là trải nghiệm kinh hoàng”, anh Thức chia sẻ với VnBusiness.
Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi lao vào cuộc đua trên thị trường đất đấu giá. |
Trong hai năm 2020, 2021, tỉnh Bắc Giang với những lợi thế về kinh tế, hạ tầng là một trong những địa phương sôi động nhất về hoạt động mua bán bất động sản. Nhiều nơi sốt đất bùng lên, giá tăng cả chục lần chỉ trong vài tháng. Các đợt đấu giá thu hút hàng nghìn người tham gia.
Đơn cử, ở xã Quang Châu, huyện Việt Yên, vào cuối năm 2021, khi các phiên đấu giá khu dân cư Đồng Vân hay Bắc Quang Châu diễn ra, dù chỉ có 460 lô đất nhưng có đến hơn 5.000 hồ sơ tham gia. Giá bình quân gấp 2-5 lần mức khởi điểm. Sau đấu giá, nhiều người sang tay “ăn chênh” cả trăm triệu đồng.
Không chỉ tại Bắc Giang, hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều đã từng chứng kiến tình trạng “sốt” đất đấu giá, “quân xanh, quân đỏ” thao túng thị trường, đẩy giá đất lên cao rồi bỏ cọc nhằm tạo sóng để bán các lô đất lân cận đã mua gom từ trước đó.
Bộ TN&MT từng đưa ra cảnh báo nóng về tình trạng tại một số địa phương xuất hiện “cò đấu giá”, “quân xanh - quân đỏ”, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra. Đáng chú ý, tình trạng “xã hội đen” đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ.
Bệnh cũ có tái phát?
Có thể nói, thị trường đất đấu giá đã trải qua thời kỳ nóng hầm hập, đặc biệt trong hai năm 2021-2022, tuy nhiên sau đó lại “lao dốc” mạnh, và gần như tê liệt trong giai đoạn 2022-2023. Nhưng xuống rồi lại lên, kể từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường đất đấu giá bắt đầu nóng trở lại.
Điển hình như tại vùng ven Hà Nội, huyện Đan Phượng, cách trung tâm Hà Nội 20km, vừa đấu giá thành công 85 lô đất, trong đó lô giá trúng cao nhất lên tới gần 100 triệu đồng/m2, gấp đôi giá khởi điểm. Đặc biệt, phiên đấu giá dù chỉ có 85 lô đất nhưng thu hút tới 1.252 bộ hồ sơ, đồng nghĩa mỗi lô đất có 15 khách hàng quan tâm.
Dễ nhận thấy, điểm chung tại các khu vực vùng ven Hà Nội có hoạt động đấu giá đất sôi động trong thời gian qua thường là những địa phương có quy hoạch hạ tầng “khủng”. Như ở Mê Linh, Đan Phượng có dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô, còn ở Đông Anh những thông tin về quy hoạch lên quận đang thu hút nhiều sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư…
Đáng chú ý, ngay khi thị trường đất đấu giá nổi sóng trở lại, tình trạng “cò đấu giá”, “quân xanh quân đỏ” lại tái diễn tại nhiều địa phương.
Như tại Đan Phượng, ngay khi kết thúc phiên đấu giá vừa qua, trên các hội nhóm về mua bán đất nền đã xuất hiện các tin rao bán của “cò” với thông tin giá bằng giá trúng cộng với mức chênh. Hàng loạt người khác cũng tranh thủ đăng bán các lô đất ở gần khu đấu giá.
Trước đó, tại Tân Yên (Bắc Giang), sau phiên đấu giá thu hút gần 700 hồ sơ, đấu giá thành công 84/87 lô đất thu về hơn 130 tỷ đồng, chênh gần 55 tỷ đồng so với giá khởi điểm, cũng đã xuất hiện loạt thông tin rao bán trên các diễn đàn nhà đất trực tuyến. Mặt bằng giá đất vùng ven các khu đất đấu giá cũng rục rịch tăng.
Rõ ràng, trong bối cảnh chưa có “thuốc đặc trị”, tình trạng nhiễu loạn trên thị trường đất đấu giá lại manh nha xuất hiện và có thể bùng lên nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
Các chuyên gia của VARS nhìn nhận nguy cơ thổi giá chưa chấm dứt hoàn toàn, do đó người dân cần hết sức lưu ý tìm hiểu kỹ thông tin để tránh đi vào "vết xe đổ", mua dễ nhưng bán khó vì trúng đấu giá quá cao. Đặc biệt, trong bối cảnh thanh khoản chậm, nhà đầu tư tuyệt đối không dùng đòn bẩy tài chính.
Không chỉ nhà đầu tư, các cơ quan chức năng cần ngăn chặn tình trạng “cò đấu giá”, “quân xanh, quân đỏ” làm loạn giá đất. “Nhu cầu thực rất lớn và tâm lý nhà đầu tư dần phục hồi, nhưng các địa phương cần lưu ý về khả năng có thể một số người dùng biện pháp đẩy giá”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cảnh báo.
Hưng Nguyên