Báo cáo của Knight Frank Việt Nam mới đây cho thấy giá thuê văn phòng tại Việt Nam đang thuộc tốp đầu ở khu vực Đông Nam Á và ngang ngửa Berlin, Đài Bắc… Theo đó, với 1.000 USD mỗi tháng, các doanh nghiệp có thể thuê được 36,2 m2 văn phòng hạng A ở Hà Nội và 20,9 m2 tại TP.HCM.
Cầu tăng, cung nhỏ giọt
Chỉ đứng sau Singapore về mức giá thuê văn phòng ở khu vực ASEAN, tuy nhiên theo các chuyên gia của Knight Frank Việt Nam, Hà Nội và TP.HCM vẫn nằm trong số những thành phố có giá cả phải chăng nhất cho hoạt động kinh doanh trên toàn cầu, mở ra dư địa lớn cho sự phát triển.
Tương tự, theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao - Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội, lợi thế về giá thuê thấp hơn so với các nước trong khu vực giúp thị trường văn phòng của Việt Nam có tiềm năng rất tốt, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng những toà nhà chất lượng cao.
Được đánh giá cao về mức giá và tiềm năng, song nguồn cung của thị trường văn phòng tại hai đô thị “đầu tàu” cả nước lại đang bị đánh giá thấp hơn so với Singapore hay Bangkok (Thái Lan). Các kết quả thăm dò chỉ ra “cơn khát” văn phòng ở TP.HCM và Hà Nội có thể kéo dài đến năm 2025.
Đơn cử, theo khảo sát của Vnbusiness, nhiều cao ốc có vị trí vàng và thương hiệu hàng đầu ở TP.HCM đang “cháy hàng” thời gian qua. Điển hình, để phục vụ khách thuê, cao ốc Pearl Plaza (quận Bình Thạnh) đã chuyển khu vực cho thuê cửa hàng trong trung tâm thương mại thành văn phòng cho thuê.
Các cao ốc tại quận 1 như Saigon Centre (đường Lê Lợi) có diện tích cho thuê 45.800m², Diamond Plaza (đường Lê Duẩn) có 16.000m² và Bitexco (đường Hải Triều) có 37.700m²... gần như được lấp đầy. Hệ thống văn phòng cho thuê Thiên Nam Building với 11 tòa nhà, đang có công suất đạt 98-99% trước dịch.
Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills TP.HCM, cho biết tổng diện tích văn phòng cho thuê ở đô thị này đã đạt 2,5 triệu m2, tương đương thị trường Hà Nội nhưng còn rất thấp so với mức 8-10 triệu m2 ở các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á.
Nguồn cung văn phòng cho thuê được dự báo sẽ khan hiếm khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn những xu hướng mới. |
Ở Hà Nội, tình trạng khan hiếm nguồn cung văn phòng cao cấp cũng đang gia tăng, với sự hiện diện của nhiều tập đoàn quốc tế đòi hỏi không gian tốt, vị trí đẹp. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, giá thuê văn phòng hạng A tại Hà Nội phụ thuộc chính vào nguồn cung tương lai của thị trường.
Trong quý I/2022, Hà Nội chỉ đón thêm 5.580 m2 diện tích sàn, nâng tổng diện tích sàn cho thuê ở phân khúc văn phòng hạng A và B lên khoảng 2,3 triệu m2. Trong khi 2 dự án văn phòng hạng A tại Thủ đô là Techcombank Tower (Hoàn Kiếm) và Lancaster Luminaire (Đống Đa) đã rời lịch vận hành.
Xu hướng mới lên ngôi
Anh Hoàng Lân, chủ văn phòng môi giới khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), cho hay sau đại dịch, văn phòng cho thuê ở các tòa nhà trung tâm thành phố đã gần như được phủ kín. Đơn cử, trên đường Cầu Giấy, các tòa văn phòng hạng A, B đang được cho thuê với giá dao động từ 260.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.
Việc thị trường văn phòng cho thuê liên tục tăng nhiệt là bởi nền kinh tế đang hồi phục thời hậu giãn cách. Đặc biệt các doanh nghiệp “ăn nên làm ra” trong đại dịch đang chớp lấy các đợt ưu đãi về giá, phụ phí, điều kiện thuê từ các tòa văn phòng, cao ốc khu vực trung tâm để chuyển nơi làm việc.
Nguồn cung nhỏ giọt trong khi nhu cầu tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chọn cách từ bỏ mô hình văn phòng truyền thống để chuyển sang loại hình văn phòng làm việc kết hợp (hybrid working) hoặc mô hình làm việc linh hoạt (agile working).
Trong đó, hybrid work là mô hình kết hợp làm việc ở văn phòng và tại nhà qua online. Tổng số thời gian của người lao động không thay đổi, chỉ khác là một số thời gian làm việc họ không cần đến cơ quan. Còn agile là cho phép nhân viên làm việc ở đâu, khi nào tùy chọn với hiệu quả cao nhất.
Theo dự báo, mô hình làm việc kết hợp sẽ được áp dụng và triển khai nhanh hơn rất nhiều so với văn phòng chia sẻ (co-working) – khách thuê cùng chia sẻ mặt bằng, tiện ích. Bởi, văn phòng kết hợp sẽ giúp tiết kiệm diện tích, thời gian làm việc, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và giữ chân nhân tài.
"Savills là một ví dụ dễ thấy, với 180 nhân viên nhưng chỉ có 130 chỗ ngồi ở văn phòng, vậy mà chúng tôi vẫn có thể vận hành tốt", bà Từ Thị Hồng An, chuyên gia Savills TP.HCM cho hay
Bên cạnh yếu tố linh hoạt trong thiết kế, các văn phòng hiện nay cũng quan tâm nhiều hơn đến yếu tố văn phòng xanh. Tại Hà Nội, hiện có 2 dự án được nhận chứng chỉ xanh là toà phòng văn TechnoPark và Capital Place. Tương lai sẽ có các dự án như Techcombank Tower, Gelex, Tiến Bộ Plaza…
Phân tích về sự thay đổi trong quan niệm thuê văn phòng của chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay, ông Daan Van Rossum, CEO của chuỗi văn phòng cho thuê Dreamplex cho rằng sau đại dịch, nhiều công ty nhận thấy nhân viên có thể hoàn thành công việc hiệu quả dù làm việc ở nhà hay ở văn phòng.
"Điều này khiến nhiều chủ doanh nghiệp thay đổi nhận thức về việc trao thêm quyền lựa chọn cách làm việc cho nhân viên, từ đó giảm chi phí thay vì trả một khoản tiền lớn để thuê văn phòng như trước", ông Daan Van Rossum nói.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi nhanh sau đại dịch, theo các chuyên gia, nguồn cung thị trường văn phòng chất lượng cao khu vực trung tâm thời gian tới sẽ tiếp tục khan hiếm. Vì vậy, ở thời điểm này, nếu có điều kiện để tận dụng các ưu đãi, các doanh nghiệp nên cân nhắc “xuống tiền” để sở hữu các không gian làm việc và giá cả tốt nhất.
Hưng Nguyên