Có một thực tế dễ thấy là trong thời gian qua, dù lãi suất huy động liên tục đi xuống, các kỳ hạn ngắn chỉ còn 2-3%/năm, nhưng lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân vẫn liên tục tăng. Trong số đó, có một lượng vốn không nhỏ đến từ những người có nhu cầu mua nhà nhưng chưa đủ tiền.
Chưa đủ tiền mua nhà, đành gửi ngân hàng
Sau gần 10 năm học tập và công tác tại Hà Nội, anh Nguyễn Thanh Bình (quê Bắc Ninh) đang có số vốn tiết kiệm gần 1,2 tỷ đồng, toàn bộ dành cho mục tiêu mua nhà. Kể từ năm 2020 đến nay, anh vẫn chọn gửi tiết kiệm vì “không có duyên kinh doanh”.
“Vào cuối tháng 2 này, sổ tiết kiệm (kỳ hạn 12 tháng) của tôi đến hạn tất toán. Dù lãi suất rất thấp nhưng có lẽ tôi vẫn chọn tiếp tục gửi lại ngân hàng để bảo toàn vốn, vì rút ra mua nhà thì chưa đủ, trong khi cũng không biết kinh doanh gì để tiền đẻ ra tiền, sợ lại mất cả chì lẫn chài”, anh Bình chia sẻ.
Nhiều người vẫn buộc phải gửi tiết kiệm ngân hàng vì chưa đủ tiền mua nhà trong bối cảnh giá leo thang (Ảnh: Phạm Hòa). |
Thực tế, theo khảo sát của VnBusiness, những trường hợp “bắt buộc” phải chọn gửi tiết kiệm ngân hàng vì chưa đủ tiền mua nhà như anh Bình không ít. Như trường hợp của anh Vũ Tùng, sau nhiều năm từ Hưng Yên lên Hà Nội công tác, có khoản tiết kiệm suýt soát 1,5 tỷ đồng, nhưng phần vì những mối lo về thu nhập, phần vì giá nhà tăng quá cao khiến gia đình anh vẫn chọn ở thuê.
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, vợ chồng anh Tùng bắt đầu để ý nhiều hơn đến việc mua nhà. Chỉ trong vài tháng, anh đã cất công tìm hiểu cả trăm thông tin bán lẻ trên thị trường căn hộ thứ cấp, cùng hơn 10 dự án sơ cấp nằm trong bán kính 15 - 20 km so với quận Cầu Giấy, nơi anh làm việc.
Đầu tháng 1/2024, sau thời gian ròng rã theo chân “cò” đi xem nhà mẫu và thực địa, anh Tùng ưng căn hộ tại một dự án đang xây dựng. Căn hộ có diện tích hơn 60 m2, giá 2,9 tỷ đồng, chủ đầu tư chiết khấu 15%, trừ thẳng vào tiền đóng đợt đầu tiên. Tuy nhiên, sau thời gian suy nghĩ, cuối cùng vợ chồng anh lại chọn gửi lại tiền ngân hàng vì đủ mối lo trong bối cảnh biến động kinh tế, thu nhập bị ảnh hưởng.
“Nếu kinh tế vẫn ổn như trước thì chắc tôi quyết định vay để mua, nhưng năm qua thu nhập của cả hai vợ chồng đều giảm, giữa năm tới nhà tôi lại có thêm bé thứ hai, nên áp lực lại càng tăng. Nên sau khi cân nhắc, tôi đành chọn lùi lại thêm 1-2 năm để ổn định hơn”, anh Tùng thổ lộ.
Ngân hàng đang chờ cho vay mua nhà
Việc người mua nhà chưa đủ tiền để mua nhà trong khi lại không đủ tự tin để vay trả góp đang khiến cả các nhà băng cũng lo lắng. Bởi, tại một hội nghị vào giữa tuần trước, nhiều ngân hàng thương mại thừa nhận bất động sản vẫn là kênh hấp thụ vốn lớn nhất.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, do thị trường bất động sản gặp khó, nhiều dự án gặp vướng pháp lý, nên nguồn vốn tín dụng tiêu dùng cho người mua nhà, bị giảm mạnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng thời gian qua chậm lại đáng kể.
Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm gỡ vướng pháp lý các dự án bất động sản, tạo điều kiện cho chủ đầu tư và cả khách mua nhà đủ điều kiện tiếp cận vốn tín dụng.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB, nhìn nhận trong năm 2023, các cơ quan chức năng nói nhiều về bất động sản nhưng năm nay khó khăn vẫn còn, dù đang tháo gỡ nhưng kết quả tháo gỡ vẫn cần thời gian trả lời. “Đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp tháo gỡ bất động sản để không bị ảnh hưởng đến vay tiêu dùng bất động sản năm 2024", ông Ánh đề nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho rằng dù có những lo ngại về lĩnh vực bất động sản nhưng nếu có giấy tờ, pháp lý rõ ràng, các ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay. Bởi, khi cho vay lĩnh vực bất động sản, ngân hàng cùng lắm "mất 10 - 20% giá trị, không bao giờ mất hết, vẫn thu hồi được".
Có thể thấy, trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất cho vay đã xuống khá thấp, thấp hơn cả giai đoạn trước Covid-19 và được đánh giá là cơ hội tốt để người dân vay mua nhà. Nhưng thực tế là các mức ưu đãi vẫn áp dụng trong thời gian ngắn, chưa đáp ứng được kỳ vọng của đa số.
Tựu chung lại, người mua nhà đang có nhu cầu vay vốn rất lớn, các ngân hàng cũng “thừa tiền” muốn cho vay. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại là nguồn cung thị trường nhà ở còn khan hiếm, mặt bằng giá liên tục leo thang, khiến nhiều người vẫn đang phải “cắn răng” gửi tiết kiệm dù đã có số vốn cả tỷ đồng.
Theo đó, trong thời gian tới, theo chuyên gia, Chính phủ và chính quyền địa phương cần kịp thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, đặc biệt pháp lý về đất đai, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển dự án, giúp tăng nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội... từ đó giải cơn khát nhà cho người dân.
Hưng Nguyên