Thời gian qua, hàng loạt chung cư, cao ốc tại Hà Nội không được cấp sổ hồng vì chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng như vượt tầng, sai thiết kế, phá vỡ quy hoạch… Dù bất kỳ lý do gì thì một loạt chung cư không được cấp sổ hồng đã để lại hệ luỵ lớn cho người dân sinh sống tại các dự án này.
Hơn 23.000 căn chưa có sổ hồng
Theo một báo cáo của Bộ Xây dựng, trong tổng số 108 dự án có tranh chấp, có tới 11 dự án (chiếm khoảng 10%) liên quan việc chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ cho cư dân.
Điển hình như tại dự án Star City Lê Văn Lương, cả trăm cư dân đã nhiều lần xuống đường để phản đối chủ đầu tư trong việc không thực hiện đầy đủ các cam kết. Trong đó, việc chờ sổ hồng là bức xúc lớn nhất của người dân khi họ đã bỏ ra vài tỷ đồng mua nhà tại dự án.
Tại một dự án khác ở Hà Đông, chung cư Westa do CTCP COMA 18 làm chủ đầu tư, người dân cũng phản ánh được nhận bàn giao nhà từ năm 2014 nhưng đến giờ vẫn chưa được làm sổ đỏ. Qua thông tin từ Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, cư dân mới được biết nguyên nhân là chủ đầu tư đang thế chấp cả toà nhà trong ngân hàng.
Dự án Capital Garden (102 Trường Chinh) bởi bất đồng trong nội bộ chủ đầu tư nên chưa hoàn thành nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách dẫn đến tình trạng hàng nghìn cư dân chịu trận do chưa thể làm sổ hồng.
Tương tự, tại chung cư The Golden Palm (Lê Văn Lương), hàng trăm hộ dân cũng đã tố việc cấp sổ hồng cho cư dân vẫn đang “dậm chân tại chỗ” dù đã ở gần 2 năm.
Việc nhận nhà nhưng “treo” sổ hồng đã khiến quyền lợi của cư dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều trường hợp cư dân muốn vay tiền, thế chấp ngân hàng để kinh doanh buôn bán thì không có cơ sở pháp lý; hoặc trường hợp muốn thay đổi chỗ ở, cư dân cũng khó chuyển nhượng được.
Trước đó, năm 2017, Tp Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng) cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở chủ đầu tư đã xây dựng xong và đã lập hồ sơ trình Sở TN&MT thẩm định cho 155.656 căn/178.278 căn, đạt 87,31%. Còn 22.622 căn hộ đang được tiếp tục triển khai cấp Giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, Tp Hà Nội cũng đã cấp giấy chứng nhận cho 13.160/14.027 căn nhà tái định cư, đạt 93,8%, còn 867 căn chưa được cấp giấy chứng nhận.
Như vậy, tính đến hết năm 2017, có khoảng 23.260 căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở và nhà tái định cư chưa được cấp sổ hồng.
Một số chuyên gia cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc dự án bị “treo” sổ hồng gây rủi ro cho người mua, có thể do chính chủ đầu tư cầm cố ngân hàng hoặc do dự án vi phạm, không đủ điều kiện để cấp sổ hồng.
Cư dân bức xúc vì chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ hồng |
Cẩn trọng với dự án vi phạm
Về quy trình cấp sổ hồng, trong Luật Nhà ở quy định rất rõ người mua nhà phải đóng đủ 95% theo giá trị hợp đồng thì chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ để làm sổ hồng. Trong luật cũng quy định rõ quy trình để được nhận sổ hồng đó là sau khi đủ hồ sơ, trong thời gian 7 – 15 ngày các cơ quan chức năng có trách nhiệm hoàn tất và cấp hồ sơ.
Nguyên tắc trong Luật đã quy định rõ, chủ đầu tư sau khi hoàn thiện 20% hợp đồng thì phải làm báo cáo thường xuyên cho Sở Xây dựng về tiến độ bán nhà, nhưng nhiều khi chủ đầu tư không làm. Trong khi đó, bản thân người mua nhà không biết quy định trên, không thể giám sát.
Với các chủ đầu tư cố tình vi phạm trật tự xây dựng, theo một số luật sư, tại phiên thảo luận Luật Xây dựng sửa đổi trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2019 vừa qua, các đại biểu cho rằng với các dự án vi phạm trật tự xây dựng cần dứt khoát khôi phục lại tình trạng ban đầu trong một thời hạn nhất định, chứ không cho phạt để tồn tại.
Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm các cơ quan chức năng liên quan đến việc xảy ra vi phạm tại dự án.
Đưa ra khuyến cáo cho khách hàng, các luật sư nhấn mạnh với những dự án vi phạm trật tự xây dựng, kể cả với những dự án đã bàn giao trong thời gian dài nhưng không có sổ hồng, người dân đều có quyền khởi kiện và tuyên bố hợp đồng vô hiệu để đòi tiền về.
Do lỗi của chủ đầu tư nên khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư trả tiền, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người mua dự án tương đương. Đây là lỗi xảy ra hoàn toàn do hành vi cố ý vi phạm điều cấm trong Luật Xây dựng của chủ đầu tư.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội), cũng “hiến kế”: Các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tức là chủ đầu tư phải trả lại tiền cho người mua nhà. Sau đó, người mua nhà có thể sử dụng số tiền đó để mua nhà khác. Hoặc chủ đầu tư phải trả cho người mua nhà một căn hộ có giá trị tương đương tại tòa nhà họ đã mua.
Để tránh mua phải các dự án vi phạm, người mua nhà cần tham vấn pháp luật trước để có thể tránh thiệt hại về diện tích nhà ở, giá trị công trình và rủi ro pháp lý khác về thủ tục giấy tờ.
Minh Trang