Hiện chưa phải là thời điểm để đầu tư BĐS do giá vẫn còn neo ở mức cao (Ảnh: Int) |
Nhiều người kỳ vọng giá nhà đất sẽ "lao đầu" giảm sau khi cơn sốt hạ nhiệt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trên thực tế có nhiều nhà đầu tư cũng đang chờ đợi giá bất động sản (BĐS) đi xuống để tìm kiếm cơ hội.
Vẫn có dấu hiệu đi ngang
Giá đất hàng loạt các địa phương trong cả nước bất ngờ tăng cao sau Tết Nguyên đán 2021, chỉ sau khi cơ quan quản lý và chính quyền các địa phương vào cuộc thì cơn sốt mới hạ nhiệt.
Trước đó, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, việc xảy ra cơn sốt BĐS chỉ ở những dự án chưa có quy hoạch, những lô đất nền, thậm chí đất rừng, đất vườn… Nếu ở những dự án đã có quy hoạch thì chỉ là cuộc mua đi bán lại của các nhà đầu cơ, đầu tư, tức là ở thị trường thứ cấp.
Sau cơn sốt đất, ghi nhận ở một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hoà Bình... giá đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt, có những nơi giảm hơn 30%.
Theo dữ liệu của kênh thông tin batdongsan.com.vn, trong tuần đầu tiên của tháng 5/2021, do có sự quay trở lại của Covid-19, mức độ quan tâm tại các tỉnh thành có nhiều ca nhiễm có sự sụt giảm. Nếu so sánh dữ liệu 7 ngày trước và sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, mức độ quan tâm tại Bắc Ninh giảm 21%, Vĩnh Phúc giảm 39% và Đà Nẵng giảm 25%, Hải Phòng giảm 34%.
Tại thị trường BĐS Hà Nội, tháng 4/2021 mức độ quan tâm BĐS bán và cho thuê đều giảm mạnh, tin đăng BĐS tăng nhẹ ở loại hình đất (4%), nhà riêng (10%), nhà mặt phố (10%).
Thị trường BĐS TP. HCM tháng 4/2021 cũng trong tình trạng tương tự có lượng tin đăng giảm 2% và mức độ quan tâm giảm 17% so với tháng 3/2021.
Theo phân tích của đơn vị này, thị trường BĐS hiện có khoảng 80% nguồn cung là thứ cấp và 20% là nguồn cung sơ cấp. Điều này cho thấy một thực tế là giá đất “nhảy múa” thời gian qua phần lớn là các giao dịch mua đi bán lại đầu cơ là chủ yếu.
Theo ông Vũ Đức Ngọc, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Kosy, nếu nói giá đất đang giảm thì chưa hẳn đã đúng, bởi giá giảm chỉ ở thị trường thứ cấp khi các nhà đầu tư đã “cạn” nguồn vốn. Còn ở thị trường sơ cấp trước đó tăng không đáng kể, từ 5-7% ở phân khúc chung cư và 3-5% ở phân khúc đất nền, thì nay sẽ không có câu chuyện đất nền giảm giá.
Còn theo khảo sát của batdongsan.com.vn, ở mặt bằng chung, giá đất chưa có dấu hiệu sụt giảm mà vẫn tiếp tục neo cao và đi ngang, thậm chí ở phân khúc chung cư tại Hà Nội giá còn tăng nhẹ 1% so với tháng 4.
Chờ thị trường bình ổn
Theo các chuyên gia, đến nay cơn sốt đất đã được kiềm chế, tuy nhiên, nói thị trường xuống giá hay chưa thì chưa đánh giá được vì không ghi nhận giao dịch.
Sau cơn sốt đất, nhiều người cho rằng giá đất sẽ giảm và đã có động thái chờ đợi những đợt bán tháo, giảm giá sâu để "bắt đáy". Tuy nhiên, theo một số chuyên gia BĐS, thị trường hiện tại chưa đủ tín hiệu về vùng giá đáy.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phiên Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, sau những cơn sốt đẩy giá lên, các nhà đầu tư chưa thể tham gia ngay mà cần chờ thị trường tự điều chỉnh xuống một ngưỡng hợp lý.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội bổ sung, việc tăng giá đất vừa qua dẫn tới việc thị trường cần thời gian nhất định để cân bằng lại giữa cung và cầu thật, có thể xác lập một nền giá mới. Thực tế, Savills hy vọng nền giá mới sẽ sớm định hình ổn định, tuy nhiên sẽ cần thời gian để mức giá có thể điều chỉnh lại và việc điều chỉnh về mức giá cân bằng sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Đức Ngọc nhìn nhận, sau sốt đất mức độ giao dịch ít đi, mức giá ở thị trường sơ cấp vẫn giữ nguyên còn ở thị trường thứ cấp vẫn neo ở mức cao.
Hiện có một số thông tin về giá đất tại một số tỉnh giảm giá, nhưng theo ông Ngọc, đây chỉ là thị trường thứ cấp mua đi bán lại của các nhà đầu cơ, hoặc đầu tư họ thổi giá lên, còn giá sơ cấp không giảm. Lượng giao dịch đang ít dẫn đến câu chuyện giá BĐS hiện tại đang đứng chứ chưa đi xuống.
Theo ông Ngọc, thời điểm này các nhà đầu tư chưa nên xuống tiền mua BĐS mà đợi khi Chính phủ kiểm soát được làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Lý do được ông Ngọc đưa ra là vì các địa phương đang phải căng mình ra chống dịch, các vấn đề về quy hoạch, xây dựng đang tạm gác lại.
"Khi dịch được kiểm soát, nguồn vốn dồn sẽ vào cho phát triển sản xuất kinh doanh các lĩnh vực khác nhằm vực dậy nền kinh tế lớn hơn là đổ vào BĐS hay chứng khoán. Lúc này thị trường mới tốt hơn, giá đi xuống nhưng giá trị BĐS vẫn cao", ông Ngọc nói.
Nhận định về giá đất nền năm 2021, ông Ngọc cho rằng, sau đợt dịch này giá BĐS sẽ đi ngang, có tăng cũng không quá cao, thị trường sơ cấp ổn định. Từ nay tới cuối năm nguồn tiền từ ngân hàng và chứng khoán sẽ ít dịch chuyển sang BĐS, việc sốt đất gần như không có và thị trường sẽ bình ổn.
Phạm Minh