Điều này phần nào được thể hiện qua báo cáo mới đây của Hội môi giới BĐS, trong 9 tháng đầu năm 2020, giao dịch condotel gần như đóng băng. Bước sang quý IV/2020, thị trường bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, một số dự án đã bắt đầu giao dịch nhưng lượng giao dịch không đáng kể, cả năm giao dịch khoảng 120 sản phẩm. Lượng condotel bán trên thị trường sản phẩm chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm...
Tỷ lệ hấp thụ thấp
Cũng theo báo cáo, lượng cung biệt thự nghỉ dưỡng, villa, shophouse năm 2020 đạt gần 15.000 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ xấp xỉ 8%. Thời điểm cuối năm, thị trường biệt thự nghỉ dưỡng, villas, shophouse thực sự sôi động trở lại khi một số chủ đầu tư lớn bắt đầu truyền thông mạnh mẽ và tung sản phẩm ra thị trường.
Nghiên cứu của một số đơn vị quản lý, vận hành BĐS khác cũng cho thấy, nhóm sản phẩm nghỉ dưỡng truyền thống là khách sạn, công suất thuê phòng cả năm 2020 chỉ đạt khoảng 30 - 40%, giá cho thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường cũng chỉ đạt khoảng 40% so với năm 2019.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng chỉ ra rằng, cả nước hiện có 147 dự án BĐS du lịch – nghỉ dưỡng với trên 17.800 căn condotel, gần 4.200 villa, 94 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 53 dự án với 200 căn condotel, 1.001 căn villa đã hoàn thành nhưng cả năm chỉ có trên 120 sản phẩm được giao dịch thành công.
Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Chánh văn phòng Hội môi giới BĐS Việt Nam nhìn nhận, du lịch là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh. Hiệu quả kinh doanh ngành du lịch trong nước sụt giảm nghiêm trọng. Hầu hết các cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Hiện tượng trên là một trong những nguyên nhân khiến BĐS du lịch nghỉ dưỡng kém hiệu quả trong việc thu hút đầu tư.
Hơn nữa, những vướng mắc liên quan đến pháp lý cho condotel, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa có động thái gì đáng kể, nên chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào BĐS du lịch. Cũng bởi lý do này mà nhiều dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương cũng chưa thể khởi động đầu tư xây dựng.
Vướng mắc pháp lý và dịch bệnh lần thứ 3 quay trở lại khiến thị trường BĐS nghỉ dưỡng "ngủ đông" dài (Ảnh: Internet) |
Khó khăn còn kéo dài
GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường nói rằng, có hai khoảng trống lớn hiện nay trong câu chuyện này.
Thứ nhất là việc phê duyệt dự án trên có nhiều loại đất, có sự vênh giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở, khi Luật Nhà ở yêu cầu đất xây dự án nhà ở phải là đất ở, trong khi Luật Đất đai lại cho phép các loại đất khác.
Thứ hai là các loại hình BĐS mới như: Condotel, shophouse, officetel hiện vẫn chưa được cấp sổ hồng. Việc không có sổ hồng làm các nhà đầu tư thứ cấp, cá nhân kém “mặn mà”, rời bỏ phân khúc này. Mặc dù, hiện tại vẫn phát triển nhờ động lực từ các nhà đầu tư lớn nhưng thiếu đi các nhà đầu tư cá nhân.
Thêm nữa, dịch bệnh đã tác động đến hoạt động lưu trú du lịch của khách quốc tế và nội địa đã khiến các nhà đầu tư chững lại nghe ngóng để bảo toàn vốn không đầu tư vào mảng này.
“Dịch bệnh chỉ là tác động ngắn hạn, về dài hạn vấn đề chính sách pháp luật trở thành điểm nóng, là mối quan tâm chung của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý”, GS. Võ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM nói rằng, điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết cho BĐS Việt Nam nói chung và phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng nói riêng.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group thì nhìn nhận, mặc dù các nhà đầu tư F0 đang “ồ ạt” đổ tiền vào đầu tư đất nền, nhưng chính dịch Covid-19 đã khiến hành vi của những người đi mua và những người sử dụng đã có sự thay đổi.
“Ở thời điểm hiện tại, sau khi loại bất động sản kỳ nghỉ dài hạn phát triển từ năm 2017, nguồn cung ra thị trường khá nhiều và còn nhiều rủi ro về pháp lý. Hiện các nhà đầu tư kinh doanh phân khúc này đã giảm khá nhiều”, ông Tuyển nói.
Nhận định về thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng sau đại dịch Covid-19 lần thứ 3, ông Govinda Singh, Giám đốc điều hành mảng Khách sạn và Giải trí thuộc Tập đoàn Colliers tại châu Á nhìn nhận, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ cải thiện hơn vào quý II/2021 nhưng phải cần đến 3 năm nữa thì ngành du lịch mới có thể hồi phục về mức trước đại dịch.
"Điều này cũng có nghĩa, phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong ngắn hạn từ 1 - 2 năm rất khó để phục hồi", vị CEO của Colliers nhấn mạnh.
Phạm Minh