Cụ thể, tại Nghị quyết 72 và 73 ngày 17/5, Chính phủ đồng ý với đề xuất về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, thay vì 1/1/2025 như được thông qua tại kỳ họp từ đầu năm 2024.
Sớm hơn kế hoạch 6 tháng
Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2023, Luật Đất đai 2024 được thông qua vào tháng 1/2024 và đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Tuy nhiên, với Nghị quyết vừa ban hành, Bộ trưởng Tư pháp được giao thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội nêu trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
Để chính thức có hiệu lực sớm 6 tháng, các Nghị quyết trên dự kiến được trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp thứ 7, khai mạc từ 20/5.
Chính phủ đề xuất Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực sớm hơn 6 tháng. |
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở năm 2023 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng để góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển nhà ở.
Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương và thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường bất động sản.
Trước đó, Bộ TN&MT đã đề xuất đưa Luật Đất đai vào thi hành sớm nhằm kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất. Cùng đó, việc này sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phát huy tiềm năng, hiệu quả nguồn lực đất đai.
Các cơ quan chức năng và địa phương cũng kỳ vọng bộ 3 luật sửa đổi được đẩy nhanh tiến độ sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trong tiếp cận đất đai cho sản xuất - kinh doanh, thu hút đầu tư, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Kỳ vọng “chất xúc tác”
Có một thực tế dễ thấy là kể từ khi bộ 3 luật sửa đổi được Quốc hội “bấm nút” thông qua đã tạo tác động tích cực đến thị trường bất động sản, giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục của lĩnh vực này.
Điển hình, trong một hội nghị mới đây, Phó chủ tịch TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết Luật Đất đai sửa đổi được thông qua đã tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của thành phố. Hai tháng đầu năm 2024, số thủ tục liên quan đến nhà đất hơn 67.000 hồ sơ, tăng gần 19.000 hồ sơ so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, tốc độ tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho doanh nghiệp thời gian qua vẫn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng, kết quả là nguồn cung nhà ở tiếp tục ở trong tình trạng khan hiếm, giá các loại hình bất động sản cũng theo đó tăng cao.
Minh chứng, tại TP.HCM, theo HoREA, do vướng mắc pháp lý nên hiện có 148 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội chưa thể hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng, kinh doanh hoặc bị dừng triển khai. Dẫn tới, hơn 58.000 khách hàng mua nhà chưa được cấp "sổ hồng".
Những diễn biến thực tế khiến cả doanh nghiệp và người dân đều đang “nín thở” chờ bộ 3 Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản sửa đổi sẽ được áp dụng sớm từ 1/7, tạo “chất xúc tác” giúp pháp lý được khơi thông, nguồn cung sản phẩm nhà đất được cải thiện.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng thị trường sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2025 nếu được "tiếp sức" bằng việc Quốc hội sẽ cho phép áp dụng sớm 6 tháng kể từ ngày 1/7/2024 đối với Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản (VARS), đánh giá 3 luật sửa đổi được coi là những căn cứ bản lề góp phần giúp thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh. Do đó, khi chính thức có hiệu lực sẽ có những tác động tới bất động sản.
Đơn cử, với Luật Đất đai, có một số điểm mới như, quy định cụ thể các trường hợp giao đất trực tiếp không qua đấu giá, đấu thầu: làm nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, giao đất ở cho giáo viên, nhân viên y tế công tác tại các xã biên giới, hải đảo thuộc vùng có điều kiện khó khăn,...
"Quy định giúp thị trường phát triển thuận lợi hơn, giảm thiểu tối đa các khiếu kiện liên quan đến đất đai. Giúp các chủ đầu tư rút ngắn thời gian và chi phí trong quá trình tiếp cận đất đai, đầu tư phát triển dự án. Bên cạnh đó, hỗ trợ tăng nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp, đảm bảo nhà ở cho người dân, phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng", ông Đính phân tích.
Hay với Luật Nhà ở, theo ông Đính, quy định chung cư mini trong Luật Nhà ở 2023 được xem xét cấp sổ hồng nếu đáp ứng đủ điều kiện, tạo cơ hội tiếp cận nhà ở đối với người dân, đặc biệt là nhóm người có thu nhập thấp vẫn có thể sở hữu nhà.
Đồng quan điểm, TS. Trần Xuân Lượng, chuyên gia kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá sự ách tắc pháp lý là nguyên nhân khiến tắc nghẽn nguồn cung. Việc Chính phủ đẩy mạnh chính sách gỡ vướng chỉ là cần thiết nhưng chỉ là giải pháp ngắn hạn.
Về lâu dài, Luật Đất đai 2024 với các quy định minh bạch hơn, rõ ràng hơn là điều cần thiết để đưa thị trường phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Những vấn đề tồn đọng “chưa thỏa đáng” trước đây đã có phương án giải quyết trong luật mới. Theo đó, người dân, chính quyền và cả doanh nghiệp kinh doanh trong ngành bất động sản sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, theo ông Lượng, luật mới chỉ là phần “xương sống”, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật mới là văn bản chỉ rõ, giải quyết các vấn đề. Vì vậy, cần đẩy nhanh hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn, từ đó giúp giảm “độ trễ” trong quá trình đưa luật vào thực tiễn.
Nhật Minh