Thời gian qua, Công an TP.HCM đang tìm bị hại liên quan vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại dự án “ma” của công ty CPĐT Bất động sản Phát An Gia. Theo thông tin được công bố, dù không được cấp phép, các dự án có tên rất kêu được chủ đầu tư tự đặt tên, phân lô rồi rao bán.
“Tái phát” dự án ma
Cụ thể, theo cơ quan cảnh sát điều tra, công ty Phát An Gia do ông Hoàng Mạnh Cường làm chủ đã “vẽ’ ra hàng loạt dự án chưa được cấp phép thành lập dự án, phân lô, tách thửa tại tại TP.HCM như Central House đường 4, Khu dân cư đường 8, Khu dân cư Long Phước…
Sau khi vẽ dự án, ông Cường tự lập bản vẽ phân lô, quảng cáo, và tiến hành chuyển nhượng 140 nền đất với 115 khách hàng và thu số tiền hơn 144 tỷ đồng. Số tiền trên, ông Cường sử dụng vào mục đích cá nhân, không thực hiện theo cam kết với khách hàng, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ hội đón sóng nhà đất đang mở ra, tuy nhiên nhà đầu tư cần cẩn trọng trước các chiêu trò lừa đảo. |
Trước đó, vụ việc nhiều người dân đã bỏ tiền tỷ mua đất tại các dự án khu dân cư Golden City Tân Quy và dự án River Củ Chi do công ty địa ốc Lan Phương Real (19B đường Nguyễn Văn Đậu, Phú Nhuận, TP.HCM) làm chủ đầu tư, nhưng sau đó phát hiện dự án không tồn tại, cũng gây nhiều chú ý.
Sau lùm xùm, nhiều người muốn thanh lý hợp đồng nhưng phía Lan Phương Real tìm cách né tránh. Đáng chú ý, trước phản ánh của người dân, UBND huyện Củ Chi cho biết từ trước đến nay huyện không chấp thuận dự án nào mang tên như trên.
Đồng thời, cơ quan chức năng huyện Củ Chi cũng khẩn cấp phát đi cảnh báo, khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với dự án ma, đặc biệt các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin dự án trước khi “xuống tiền”.
Những diễn biến trên cho thấy vấn nạn phân lô bán nền, vẽ “dự án ma” để lừa đảo vẫn âm ỉ cháy, và sẵn sàng bùng lên khi có điều kiện. Vì vậy, giới chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần tuyệt đối cẩn trọng, đặc biệt với các dự án mới, được “cò” quảng cáo quá “đường mật”.
Chiêu trò cũ, nạn nhân mới
Việc bộ 3 luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản đồng thời có hiệu lực sớm từ ngày 1/8 tới được dự báo giúp thị trường nhà đất tăng tính minh bạch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục trước khi bước sang một chu kỳ mới.
Tuy nhiên, hiệu ứng của các bộ luật mới cũng đang bị nhiều đối tượng lợi dụng để "bẫy" khách. Bên cạnh những dự án ma, hàng loạt các chiêu trò “lùa gà” cũng được không ít môi giới tung ra đem đến những rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Như trường hợp của anh Bùi Trung Dũng (Thủ Đức, TP.HCM). Từ đầu tháng 6 tới nay, sẵn dòng tiền mặt hơn 1,5 tỷ đồng đáo hạn ngân hàng, anh muốn chuyển hướng đầu tư đất nền vùng ven, tuy nhiên, giá đất nhảy múa cộng với các chiêu trò của môi giới đang khiến anh gặp khó.
Cách đây hai tuần, theo chân “cò”, anh Dũng đến tìm hiểu một khu đất rộng 110m2 tại khu vực xã Long Cang (Cần Đước, Long An) đang được rao bán “cắt lỗ 50%”, với giá 2,5 tỷ đồng. Môi giới cho hay lô này được mua vào từ cuối năm 2021, giá gần 3,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau thời gian tìm hiểu, anh Dũng phát hiện lô đất trên thực tế được mua vào từ đầu năm 2019, thời giá đất vẫn “mềm”. Từ năm 2020, với lợi thế giáp ranh TP.HCM, cộng thêm loạt dự án “nở như nấm sau mưa”, giá đất khu vực Long Cang và vùng lân cận mới bắt đầu tăng mạnh.
“Giá lô đất mua vào năm 2019 vào khoảng 1,6 tỷ đồng. Như vậy, với giá rao bán 2,5 tỷ đồng, thì sau khi “cắt lỗ 50%”, chủ đất vẫn lãi gần 1 tỷ đồng. Đây rõ ràng là chiêu trò do chủ đất và môi giới bắt tay nhau để “lùa” nhà đầu tư chứ chẳng có đất cắt lỗ nào cả”, anh Dũng nói với VnBusiness.
Bên cạnh chiêu trò đẩy giá cao lên rồi rao “cắt lỗ” 30-40%, một phương thức không mới nhưng vẫn liên tục được môi giới tung ra thời gian qua là “nói một đằng, đưa đi một nẻo”, gây ức chế, hao tổn cả về tiền bạc và thời gian của khách hàng.
Đơn cử, trường hợp của chị Huỳnh Như (Biên Hòa, Đồng Nai). Đầu tháng 6 vừa qua, chị Như nhận được thông tin quảng cáo bán đất nền Nhơn Trạch giá chỉ 700 triệu đồng/nền. Sau khi liên hệ, chị theo chân “cò” đi tìm hiểu thực tế.
Đến nơi, thấy lô đất đẹp, đồng thời vẫn nghĩ giá là 700 triệu đồng/nền như quảng cáo nên chị đồng ý đặt cọc 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi xem kỹ hợp đồng, chị Như tá hỏa khi phát hiện mảnh đất có giá tới 1,7 tỷ đồng. Chị phản ứng thì môi giới chuyển qua giới thiệu mảnh đất khác, cách đó cả chục cây số, giá 900 triệu đồng.
“Quá bực mình nên tôi không đồng ý đặt cọc nữa, muốn lên xe về lại Biên Hòa. Lúc này môi giới trở mặt, đòi tôi phải trả tiền xe, chi phí đi lại, còn không thì tự bắt xe về. Dù đã rất cảnh giác với những trò “treo đầu dê, bán thịt chó” rồi, nhưng cuối cùng chỉ vì một phút chủ quan tôi vẫn mắc”, chị Như thổ lộ.
Cùng với các chiêu trò trên, thị trường còn tái diễn tình trạng môi giới tung tin quy hoạch để hâm nóng thị trường, mở cơ hội thoát hàng ế, hoặc “dựa hơi” dự án lớn để bán hàng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (VARS), cho biết nhìn vào tình hình vĩ mô có thể thấy thị trường bất động sản vẫn chìm trong khó khăn. Việc môi giới tung chiêu hô hào thị trường bất động sản đã "ấm" lên xưa nay không hiếm nhằm tạo sóng ảo.
Vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới để tránh rơi vào tình trạng mất thêm tiền hay bị “mắc kẹt”, nhất là trong lúc thị trường mới chỉ đang ở thời kỳ đầu hồi phục như hiện nay.
Tựu trung lại, câu chuyện “lùa gà” trong kinh doanh bất động sản chưa bao giờ cũ, dù những quy định mới sẽ “siết chặt” hơn từ ngày 1/8 tới. Theo đó, để rót tiền đón chu kỳ mới với ít rủi ro hơn, lời khuyên của các chuyên gia là luôn đề cao cảnh giác, kết nối với môi giới có uy tín, tìm hiểu kỹ các dự án trước khi mua, cẩn trọng trước những lời “đường mật”.
Nhật Minh