Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, có quy chế hoạt động dịch vụ, cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu...
Hết thời tự do
Ngoài ra, trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp phải gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý Nhà nước chuyên trách cấp tỉnh (nơi thành lập doanh nghiệp) để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định.
Đáng chú ý, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, và phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Nghề môi giới bất động sản cần một cuộc "cách mạng" để vượt qua khó khăn. |
Quy định mới đồng nghĩa, kể từ nay, môi giới bất động sản hết thời tự do hành nghề, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng những môi giới “tay ngang” lộng hành, lợi dụng cơ hội để lừa đảo, trục lợi bất chính, góp phần giúp thị trường bất động sản vận hành an toàn, minh bạch.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Ngô Đình Tường, trưởng một sàn môi giới ở Đông Anh, Hà Nội cho rằng những thay đổi trên là cần thiết nhằm thúc đẩy một cuộc thanh lọc mạnh mẽ trong ngành môi giới bất động sản, từ đó loại bỏ những môi giới không chuyên, giữ lại những môi giới có nghề, đủ tâm, đủ tầm.
Ngành môi giới thời gian qua, theo ông Tường, đã chạm đáy về khó khăn khi thị trường địa ốc “đóng băng”. Riêng văn phòng của ông cả thảy gần 30 nhân viên, chỉ bán được 3 căn hộ, 1 căn liền kề và 2 lô đất nền trong 2 quý đầu năm 2023. Sang quý III, ông Tường quyết định cắt giảm 60% nhân viên.
“Nói là sa thải nhưng đa phần trong số đó tự nguyện nghỉ vì đã 6-7 tháng chưa chốt được hợp đồng nào”, ông Tường tiết lộ, đồng thời cho biết trong hơn 1 năm qua, công ty ông cắt lương cứng, chỉ áp dụng chính sách hỗ trợ nhân viên 70% chi phí chạy quảng cáo và 2 triệu/tháng cho xăng xe và điện thoại.
Cuối năm 2023, thị trường bất động sản dần xuất hiện tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên ông Tường dự báo khó khăn vẫn có thể đeo bám những người làm nghề môi giới bởi đà hồi phục vẫn chậm, đặc biệt là niềm tin của khách hàng vẫn ở mức rất thấp.
Đã đến lúc thay đổi để tìm 'cửa sống'?
“Thở bình ô xy” cũng là tình trạng chung của hầu hết sàn môi giới bất động sản trong bối cảnh thị trường địa ốc chìm trong khủng hoảng. Minh chứng, theo VARS, có 95% doanh nghiệp (được khảo sát) môi giới địa ốc phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm quá nửa số nhân viên.
Khó khăn bủa vây, cộng thêm những quy định mới trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được thông qua, càng khiến những người làm nghề môi giới bất động sản nhận thức rõ đã đến lúc thay đổi để tìm “cửa sống”.
Tình cảnh hiện tại của ngành môi giới khiến nhiều người liên tưởng đến câu viết trong Kinh Dịch: “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”. Nghĩa là sự vật phát triển tới cực điểm, khi cùng tận thì tất phải biến hóa, sau khi biến hóa liền thông đạt, nhờ thông đạt mà được dài lâu.
Thực tế, trong thời gian qua, khi những khó khăn trở nên cùng cực, nhiều doanh nghiệp môi giới đã bắt đầu công cuộc cải tổ. Bên cạnh việc cắt giảm nhân viên, các doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng cách tiếp cận khách hàng…
Ở góc nhìn chuyên gia, theo ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), thời gian tới các doanh nghiệp môi giới cần tiếp tục đẩy mạnh sàng lọc, tinh giản hệ thống nhân sự, phát triển theo chiều sâu thay vì quy mô.
“Các công ty cần nhân cơ hội này để nâng cao kiến thức, kỹ năng, chất lượng dịch vụ cho nhân viên. Từng bước ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp tuyển mộ nhân tài”, ông Khôi nhấn mạnh.
Với từng cá nhân môi giới, đại diện FERI cho rằng các cá nhân cần tranh thủ thời gian rảnh trong “kỳ nghỉ đông” để học hỏi, kiên định trong định hướng nghề nghiệp, sẵn sàng bứt tốc khi thị trường hồi phục. Tuyệt đối không vì “bí quá làm liều”, lừa dối khách hàng làm giảm chữ tín.
“Sau mỗi đợt sàng lọc, số lượng môi giới ngày càng ít đi. Các môi giới sẽ chuyên nghiệp và gắn bó với nghề được lâu dài hơn. Những môi giới nào có đạo đức nghề nghiệp, phục vụ khách hàng tốt thì mới có thể tiếp tục tồn tại ở thị trường này", ông Khôi nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, cho rằng thay đổi là cần thiết, tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên sa thải ồ ạt nhân viên vì khi thị trường hồi phục, việc xây dựng và vận hành lại bộ máy sẽ rất khó khăn.
Qua giai đoạn khó khăn này, những môi giới “sống sót” được sẽ là những người chiến thắng. Đồng thời, thị trường sẽ chọn lọc được những doanh nghiệp đầu tư và đơn vị môi giới có cơ chế vận hành hiệu quả, tiềm lực tài chính mạnh và khả năng thích ứng nhanh, qua đó phát triển bền vững hơn.
Hưng Nguyên