Trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản (BĐS) có sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, 2 tuần trở lại đây, khi áp dụng Chỉ thị 16 tại nhiều tỉnh miền Nam và tiếp đến tại Hà Nội khiến cung - cầu đều bị ảnh hưởng.
Nhiều doanh nghiệp "bất động"
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp BĐS nói chung và Đại Phúc Land nói riêng đã có một số khó khăn nhất định liên quan đến điểm nghẽn về pháp lý, lệch pha cung - cầu.
Năm 2020, Chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt nên thị trường có sức bật nhất định. Sang đầu năm 2021 có đợt dịch ngắn nhưng kiểm soát tốt nên đã xuất hiện một đợt sốt đất nền hồi tháng 3 - 4.
“Đợt dịch lần thứ 4 này nghiêm trọng và kéo dài hơn dự kiến, khiến nhiều doanh nghiệp BĐS gần như dừng hoạt động”, bà Hương nói.
Các doanh nghiệp BĐS rất cần trợ lực để khôi phục hoạt động (Ảnh: TL) |
Theo bà Hương, trong ngành BĐS có một số nhóm doanh nghiệp lớn bao gồm các doanh nghiệp chủ đầu tư, có nguồn lực đầu tư mạnh và nguồn vay đảm bảo triển khai các hoạt động đầu tư dài hạn. Khi dịch bệnh xuất hiện sẽ tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp này. Nhóm tiếp theo là các doanh nghiệp môi giới, chiếm 60-70%, là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động dựa trên sản phẩm của chủ đầu tư, nên chỉ có thể "gồng" được một thời gian ngắn nhưng dài hạn là rất khó.
Do đó, các doanh nghiệp đang rất cần sự trợ lực từ phía các cơ quan Chính phủ, và việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết.
Còn ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MSH Group chia sẻ, từ nay tới cuối năm, việc phòng chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giao dịch thị trường. Bởi, với ngành BĐS, việc giao dịch online rất khó, khách hàng còn muốn đến thăm dự án, tiến hành ký kết các thủ tục mua bán… Do đó, trong thời gian giãn cách, khách hàng sẽ chỉ tìm hiểu thông tin, chờ dịch bệnh kết thúc mới tiến hành giao dịch.
“Nếu đến tháng 8 có thể kiểm soát được dịch bệnh thì tôi tin rằng, cuối năm thị trường sẽ giao dịch tốt, nhiều chủ đầu tư đang chờ tung hàng ra, thị trường BĐS cuối năm có thể có đợt sóng mới”, ông Lộc kỳ vọng.
Hiện tại, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, một số doanh nghiệp BĐS đều đánh giá, công nghệ số đã chứng minh những ưu điểm trong việc quảng bá sản phẩm, kết nối thông tin, nhu cầu và tăng sự tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng.
Rất cần trợ lực
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong thời gian tới, mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, song lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS vẫn sẽ ghi nhận nhiều điểm tích cực.
Việc lãi suất hạ thấp trong thời gian qua sẽ hỗ trợ khá nhiều cho thị trường BĐS cả về hai phía doanh nghiệp kinh doanh, xây dựng BĐS và khách hàng.
Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khi được vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp, giảm được chi phí vốn và hỗ trợ được tốt trong vấn đề xây dựng công trình BĐS. Các doanh nghiệp kinh doanh sẽ có cơ hội vay thêm được các khoản vốn từ ngân hàng để phát triển các sản phẩm phù hợp với thị trường, trong khi người mua BĐS cũng có lợi khi được vay tiền với lãi suất thấp hơn để mua nhà.
Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, dịch bệnh nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài và có thể đến quý IV thì doanh nghiệp mới hoạt động trở lại, thị trường BĐS theo đó sẽ có cơ hội phục hồi.
Tuy nhiên, đến quý IV/2021, nếu doanh nghiệp không hoạt động được thì mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ, bởi các đơn vị vừa rồi đã quá khó khăn.
Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, đa số các chủ đầu tư dùng vốn vay rất nhiều để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng là rất lớn. Do đó, các ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào quý IV tới.
Còn với những doanh nghiệp môi giới, để có thể duy trì được hoạt động, cần trả chi phí mặt bằng, vay vốn để trả lương cho nhân viên.
“Tôi cũng không hiểu tại sao trong năm 2020, số doanh nghiệp được vay vốn để trả lương rất thấp? Vì vậy, gói cho vay ưu đãi cũng cần xem xét đến đối tượng này”, bà Hương nói.
Thị trường BĐS vốn đã tồn đọng nhiều vấn đề khó khăn. Về mặt pháp lý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra nhiều văn bản đề xuất tháo gỡ, và từ đầu năm 2021 đến nay đã có một số điểm sáng về pháp lý. Bà Hương cho biết, các doanh nghiệp có thêm sự tin tưởng và chờ đợi vào sự thực thi của những thay đổi mới này để có thể tiết kiệm được nhiều nguồn lực và thời gian.
“Doanh nghiệp BĐS chúng tôi nhiều khi nhìn thấy cơ hội kinh doanh mà không dám hành động vì thủ tục pháp lý có nhiều vấn đề. Như vậy, ngoài gói tín dụng, cần phải khơi thông về pháp lý để thị trường BĐS có thêm nguồn lực hồi phục mạnh mẽ hơn vào quý IV năm nay cũng như năm 2022”, Tổng giám đốc Đại Phúc Land kiến nghị.
Phạm Minh