Sau thời gian dài chìm trong ảm đạm, thị trường bất động sản quý III/2023 ghi nhận nhu cầu tìm kiếm tăng trưởng trở lại ở một số dự án chất lượng tốt, chủ đầu tư rục rịch triển khai dự án mới, nhiều dự án bắt đầu mở bán, với những chính sách chiết khấu, ưu đãi chưa từng có.
Rục rịch bung hàng
Tại TP. HCM và các tỉnh lân cận, hoạt động mua bán đã trở lại ở phân khúc căn hộ, nhà liền thổ ở một số khu vực. Những tín hiệu tích cực về sức cầu cho thấy, từ nay đến cuối năm, bức tranh thị trường bất động sản 2023 sẽ có những mảng tươi sáng, giúp thúc đẩy quá trình hồi phục.
Đáng chú ý, việc các dự án được gỡ vướng giúp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa sản phẩm đến tay người dân nhanh hơn. Đơn cử như tại dự án căn hộ De La Sol (quận 4, TP.HCM) một trong 7 dự án được UBND TP.HCM ưu tiên gỡ vướng từ đầu năm 2023, đang chuẩn bị bàn giao.
Thị trường bất động sản đang chờ làn sóng nguồn cung mới vào cuối năm. |
Các dự án nhà ở của bất động sản Phát Đạt cũng đón tin vui sau khi được gỡ vướng về pháp lý. Điển hình như dự án Astral City đã được tính xong nghĩa vụ tài chính, được cấp sổ và đã có xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Bên cạnh đó, dự án Thuận An 1 (Bình Dương) đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, dự án Bắc Hà Thanh (Bình Định) cũng vừa được giao đất giai đoạn 1.
Trong khi đó, Masterise Homes cho biết thị trường sẽ đón nguồn cung căn hộ mới từ nhiều dự án của doanh nghiệp này bàn giao trong giai đoạn cuối năm 2023 ở Hà Nội và TP.HCM.
Điển hình, với dự án Masteri Centre Point tại khu đô thị Grand Park (TP Thủ Đức), doanh nghiệp này tung chính sách chỉ cần thanh toán 20% là có thể "xách vali vào ở" trong căn hộ vào cuối năm nay, 80% giá trị còn lại sẽ được ngân hàng hỗ trợ cho vay, hưởng lãi suất 0% đến tháng 4/2025.
Có thể thấy, các chính sách tháo gỡ của Chính phủ đã bắt đầu ngấm và trở thành “liều doping” cho thị trường địa ốc. Các ông lớn như Vingroup, Nam Long, Masterise Homes, Khang Điền, Hưng Thịnh, Phú Long, Novaland… lần lượt nhập cuộc đua cuối năm, khiến người mua kỳ vọng nguồn cung bật tăng.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Lâm, đại diện chủ đầu tư một dự án quy mô 560 căn hộ kèm shophouse tại TP.HCM, cho hay mùa gặt cuối năm đang đến và nhiều doanh nghiệp đang chạy đua để hút khách với những ưu đãi lớn cả về giá và chính sách thanh toán, với kỳ vọng đón được dòng tiền đáo hạn.
“Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện pháp lý cho dự án. Chậm nhất đến cuối tháng 11 này sẽ tung sản phẩm ra thị trường. Dự kiến, trong tuần đầu mở bán, khách hàng trả trước 90% giá trị sẽ được chiết khấu 25%, vào ở ngay. Với khách hàng vay 70% mua nhà sẽ được hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu. Các chi phí về quản lý, bãi đỗ xe... cũng sẽ được ưu tiên hết mức”, vị đại diện doanh nghiệp nói.
Cần thêm "thuốc" trợ lực
Có thể thấy, sau khi tín dụng nhà băng dần được khơi thông, chảy vào các dự án nhanh hơn, cùng với việc các doanh nghiệp lớn bắt đầu vào chặng nước rút, nguồn cung bất động sản được dự báo sẽ được cải thiện đáng kể vào cuối năm 2023, hoặc đầu năm 2024.
Nguồn cung được cải thiện là có cơ sở, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Chung, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, việc thị trường bất động sản hồi phục nhanh hay chậm không quyết định bởi số lượng dự án, mà là ở phân khúc nào và với giá bán bao nhiêu. Nguồn cung cải thiện nhưng chỉ toàn nhà giá cao thì cũng khó để thanh khoản thị trường khởi sắc hơn trong ngắn hạn.
"Chúng ta quan sát có thể thấy, trong thời gian dài, thanh khoản của thị trường ảm đạm, gần như không có giao dịch. Các vụ án kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các dự án nhà ở bình dân, phục vụ nhu cầu ở thực, phục vụ đa số người dân. Chỉ có vậy, thanh khoản mới nhanh chóng khởi sắc, niềm tin khách hàng, nhà đầu tư trở lại”, ông Chung nói.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng nhận định trong thời gian tới, nếu nguồn cung nhà giá rẻ, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội được bán ra mạnh, tốc độ phục hồi của thị trường nhà đất sẽ phục hồi nhanh. Ngược lại, nếu các sản phẩm hợp túi tiền vẫn vắng bóng, khả năng hồi phục của thị trường sẽ mất nhiều thời gian hơn dự báo, có thể kéo dài hết năm 2024.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, để cải thiện nguồn cung thì cần nhanh chóng gỡ nút thắt lớn nhất hiện nay là vốn và pháp lý. Về pháp lý, sắp tới dự kiến hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và 4 luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Còn về vốn, một điều dễ thấy là tắc vốn xuất phát từ tắc pháp lý. “Pháp lý không xong thì không vay được tiền. Do vậy 2 vấn đề lớn này cần sớm tháo gỡ. Đồng thời thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ đầu tư bất động sản phải được khơi thông để có vốn trung hạn chứ không chỉ phụ thuộc vốn ngân hàng", ông Châu đề xuất.
Hưng Nguyên