Theo số liệu vừa mới công bố từ Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện bốn tháng đầu năm ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp FDI với tổng số vốn đạt 4,52 tỷ USD, chiếm 56,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS)_đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 807,5 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nhiều dự án ở khu đất vàng
Tính riêng Tp. HCM, vốn ngoại đổ vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm đến 43,4% tổng vốn_FDI_của Tp. HCM. Tính đến nay, toàn thành phố có 7.372 dự án vốn FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ USD.
Hai năm trở lại đây, hàng loạt chủ đầu tư như CapitaLand, Keppel Land, Mapletree, Gamuda Land… đã nhập cuộc. Một số tập đoàn ngoại cũng đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức liên kết với doanh nghiệp nội như Quỹ Creed Group, Mitsubishi, Sanyo Homes, Daiwa House Group, Sumitomo Forestry Group…
Mới đây nhất, công ty CP Đầu tư Nam Long cùng hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad đã hợp tác triển khai dự án khu đô thị Akari City. Đây là dự án thứ năm liên tiếp được phát triển bởi ba nhà đầu tư này
Trước đó, hai nhà đầu tư Nhật Bản này đã hợp tác với công ty CP Đầu tư Nam Long phát triển 4 dự án nhà ở được khách hàng đón nhận, đánh giá cao sau khi bán ra thị trường như dự án_Mizuki Park_với quy mô 26 ha, tổng giá trị phát triển khoảng 8.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Lotte, Hàn Quốc cũng đang hoàn thành mọi thủ tục cần thiết để có thể khởi công dự án khu phức hợp Thành phố thông minh Thủ Thiêm (Eco Smart City Thủ Thiêm).
Cũng tại Thủ Thiêm, một trong những dự án lớn nhất tại khu đô thị mới này là_Thủ Thiêm River Park do sự hợp tác phát triển dự án giữa Hong Kong Land và công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM với tổng giá trị phát triển dự kiến hơn 400 triệu USD.
Vừa qua, CapitaLand cũng đã mua lại khu đất 1,45 ha tại quận 4 với giá 53,5 triệu đôla Singapore (khoảng 40 triệu USD). Đây là dự án thứ chín tại Tp. HCM và thứ 11 trong cả nước của doanh nghiệp này tại Việt Nam._
Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, dòng vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản là do Tp.HCM có quy mô thị trường lớn nhất, năng động nhất, đóng góp GDP lớn nhất trong cả nước. Theo thống kê của CBRE, doanh số bán nhà ở Tp.HCM cao hơn ở Hà Nội 2 – 3 lần.
Bên cạnh đó, cộng đồng người nước ngoài, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài ở Tp.HCM cũng lớn hơn Hà Nội. "Do đó, đây là mảnh đất tiềm năng phát triển lĩnh vực bất động sản", đại diện CBRE Hà Nội nói.
Nhiều chủ đầu tư trong nước đang rất khó khăn để triển khai dự án, người mua nhà cũng khó khăn để vay được tiền từ ngân hàng, dòng vốn và xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài đang là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam. |
Tín hiệu tích cực
Đánh giá về phương thức đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào thị trường bất động sản Tp. HCM, một số chuyên gia kinh tế cho biết theo ba phương thức chủ yếu là góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp và cho vay vốn đầu tư.
Xu hướng của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước có thị trường bất động sản phát triển hơn, có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế, phát triển và vận hành các bất động sản cao cấp, nên các nhà đầu tư này đều lựa chọn phân khúc bất động sản cao cấp khi gia nhập thị trường Việt Nam.
Một vài doanh nghiệp nước ngoài chọn phân khúc nhà giá trung bình và giá thấp để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, ở bất cứ xu hướng đầu tư nào đều cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và thị trường Tp.HCM nói riêng có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ về lợi nhuận mà còn ở các yếu tố về tăng trưởng kinh tế, các chính sách của Nhà nước đối với việc người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam và những ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. HCM, cũng cho rằng dòng vốn FDI vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào thị trường bất động sản trong thời gian tới. Nguồn vốn FDI sẽ hỗ trợ thêm nguồn vốn đầu tư vào bất động sản đang bị hụt do ngân hàng giảm cho vay tín dụng.
Đặc biệt, thời gian gần đây, ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay bất động sản, nhiều chủ đầu tư trong nước đang rất khó khăn để triển khai dự án, người mua nhà cũng khó khăn để vay được tiền từ ngân hàng, dòng vốn và xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài đang là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam.
Minh Sơn