Sau thời gian dài bị “bỏ quên”, trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường địa ốc Đông Hà Nội, điển hình như Gia Lâm, Long Biên, Văn Giang (Hưng Yên)… đang có những bứt phá mạnh mẽ dựa trên sự thay da đổi thịt về hạ tầng. Mặt bằng giá liên tục lập đỉnh mới, bám sát vùng giá khu vực trung tâm.
Liên tục nóng lên
10 năm đầu tư bất động sản, anh Trần Hoàng Minh (Hà Nội), cho biết trong 2 năm qua, thị trường địa ốc khu vực phía Đông chứng kiến những cơn sốt cục bộ chưa từng có. Giá đất có sự biến động không ngừng, có thời điểm tăng theo chiều dựng đứng.
Đơn cử, tại Long Biên, hiện giá đất tăng bình quân 5-15 triệu đồng mỗi m2 so với thời điểm trước dịch Covid-19. Điển hình như khu vực phố Thạch Cầu có giá 30-40 triệu đồng/m2, đất phường Ngọc Thuỵ ở mức 30-50 triệu đồng/m2 khu vực ngõ 2-3 m, mặt tiền đường chạm ngưỡng 70-100 triệu đồng/m2.
Hay ở Gia Lâm, giá đất nền cũng liên tục tăng mạnh trong những năm qua. Nổi bật như giá đất khu vực Đông Dư hiện ở mức 40-55 triệu đồng/m2, tùy vị trí, tăng trên dưới 20% so với mức giá cuối năm 2021.
Không chỉ đất nền, theo khảo sát của VnBusiness, giá bán của các loại hình bất động sản khác ở khu vực phía Đông như shophouse, chung cư, biệt thự, nhà liền kề… cũng liên tục lập mặt bằng mới.
Điển hình, giá chung cư ở Long Biên hiện dao động ở mức 30-35 triệu đồng/m2, biệt thự trong khoảng 40-100 tỷ đồng, cá biệt vượt 100 tỷ đồng. Ở Gia Lâm, giá chung cư hạng A, B có giá trung bình 40-50 triệu đồng/m2, biệt thự vào khoảng 40-60 tỷ đồng, cá biệt chạm mốc trên dưới 100 tỷ đồng.
Không chỉ liên tục gia tăng về giá bán, nguồn cung bất động sản khu vực phía Đông cũng đang không ngừng phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng. Theo dữ liệu của Savills, phía Đông hiện đang chiếm gần 30% nguồn cung toàn thị trường, và vẫn đang tiếp tục gia tăng theo từng năm.
Có tiềm năng lớn, song các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng khi đổ tiền vào bất động sản khu Đông Hà Nội. |
Ông Trần Như Trung, chuyên gia của Savills Hà Nội, cho biết trước đây việc các khu vực phía Đông nằm bên kia sông, phải qua cầu khiến tâm lý của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng, dẫn đến thiếu hấp lực. Nhưng nay, khi cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, tiềm năng của khu vực này đã dần được đánh giá đúng hơn.
“Các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy khu vực phía Đông cũng có tiềm năng không kém các khu vực khác, lại ở rất gần khu vực trung tâm, chỉ cách chưa đầy 3km. Có thể nói, tiềm năng của khu vực này là rất hiện hữu chứ không chỉ là vì được các "ông lớn" lăng xê”, ông Trung khẳng định.
Có nên xuống tiền?
Không chỉ có vị trí gần trung tâm, một trong những lý do quan trọng khiến bất động sản Đông Hà Nội tạo sức hút là bởi sự hiện diện của các "đại gia" trong ngành. Chỉ trong vài năm qua, khu vực này đã thu hút hàng loạt chủ đầu tư lắm tiền nhiều của như Vinhomes, Ecopark, Masterise, Sunshine,…
Bên cạnh đó, các khu vực ở Đông Hà Nội cũng đang được chú trọng đầu tư về hạ tầng, trong đó có hàng loạt công trình nghìn tỷ như cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù, cầu Trần Hưng Đạo, Quốc lộ 5 kéo dài… góp phần rút ngắn khoảng cách giữa hai bờ sông Hồng, thu hút người dân về an cư, lạc nghiệp.
Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 cây cầu lớn vượt sông Hồng, trong đó một số dự án lớn đã đi vào giai đoạn hoàn thiện. Ngoài ra, đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng vừa được Hà Nội ban hành cũng khiến thị trường nhà đất khu vực này liên tục tăng nóng, thu hút nhà đầu tư.
Có thể thấy, sức hút của thị trường bất động sản khu Đông Hà Nội rõ ràng không chỉ là lời đồn, song câu hỏi đặt ra là nên đầu tư như thế nào? Theo các chuyên gia, thị trường càng nóng bỏng, nhà đầu tư càng cần cẩn trọng. Sau hơn 2 năm diễn biến nóng, việc lướt sóng hiện tại là việc vô cùng mạo hiểm.
Các kết quả thăm dò cho thấy mức giá của hầu hết các phân khúc bất động sản ở Đông Hà Nội hiện đã khá cao, nhiều khu vực vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2 trong khi cơ sở hạ tầng chưa tương xứng. Vì vậy, các nhà đầu tư trước khi xuống tiền cần cân nhắc để tránh “chôn vốn”, khó thoát hàng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho hay thời gian tới, thị trường tiếp tục chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, trong khi nhu cầu tăng mạnh. Tuy nhiên, khi đầu tư “ăn theo” quy hoạch hạ tầng, nhà đầu tư cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ về pháp lý, tiềm năng tăng giá.
Nếu như đất ở nằm trong quy hoạch ổn định thì có thể đầu tư, nếu không phải đất ở nằm trong quy hoạch ở thì phải hiểu rằng cần có quá trình thủ tục rất phức tạp sẽ mất thời gian và chi phí
“Khi giá đã ở mức quá cao, các nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá nhiều vào các thông tin quy hoạch để lướt sóng. Trong bối cảnh hiện tại, nếu có nguồn tiền ổn định, nhu cầu đầu tư lâu dài thì xuống tiền, còn việc sử dụng đòn bẩy tài chính là điều nên hạn chế”, ông Đính nhấn mạnh.
Hưng Nguyên