Sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 đã gây ra những thiệt hại đáng kể đến nhiều ngành kinh tế trên thế giới, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bên cạnh sự sụt giảm của lượng khách quốc tế là khách nội địa đã gây ra những tổn thất không nhỏ đến các khách sạn, nhà hàng, cũng như các địa điểm tổ chức hội nghị và sự kiện.
Công suất phòng giảm mạnh
Trong thông báo ngày 6/3/2020, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo lượng du khách quốc tế sẽ giảm từ 1 - 3% trong năm nay, thay vì tăng trưởng 3-4% như trong dự báo hồi tháng 1 trước khi xuất hiện dịch Covid-19.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á-Thái Bình Dương, cho biết đây sẽ là lần đầu tiên lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sụt giảm sau chuỗi 10 năm tăng trưởng liên tiếp.
“Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng tương tự do Trung Quốc và Hàn Quốc hiện đang là những thị trường quan trọng nhất đối với ngành du lịch, chiếm tới 56% lượng khách quốc tế trong năm 2019. Cộng thêm khu vực châu Mỹ và châu Âu diễn biến phức tạp cũng chiếm 17% tổng lượng khách đến Việt Nam”, ông Mauro nói.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới.
Ông Mauro cũng cho biết, nhu cầu du lịch của du khách nội địa cũng giảm đáng kể do người dân ngày càng e ngại hơn khi phải đi đến những địa điểm tập trung đông người.
Theo STR - đơn vị cung cấp dữ liệu về tình hình hoạt động kinh doanh khách sạn trên toàn cầu, trong tháng 2 vừa qua, toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã ghi nhận mức sụt giảm về công suất trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia ghi nhận mức giảm đáng kể nhất.
Công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Các thành phố lớn như Tp. HCM và Hà Nội mặc dù có sự sụt giảm nhưng vẫn duy trì được mức công suất tương đối tốt, lần lượt là 48% (tại Tp. HCM) và thậm chí ở mức cao hơn 60% (tại Hà Nội).
Trong số các điểm đến ven biển, Đà Nẵng, Hội An đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất do những nơi này có sự phụ thuộc lớn vào nguồn khách nước ngoài, hiện nay nhiều dự án chỉ đạt mức công suất dưới 10%. Phú Quốc duy trì được mức công suất khoảng 40% trong tháng 2.
Đáng chú ý là tính đến ngày 21/3/2020, đã có 145 dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam tự nguyện đăng ký trở thành điểm cách ly. Điều này không chỉ giúp cho các khách sạn có thể duy trì hoạt động khi nhu cầu lưu trú đang rất thấp mà đây còn được coi là sự hỗ trợ rất có ý nghĩa đối với chính quyền.
Các khách sạn ở ven biển Đà Nẵng, Hội An giảm sút nghiêm trọng, nhiều dự án chỉ đạt 10% công suất (Ảnh: Internet) |
Sẽ sớm phục hồi
Nhận định về khả năng phục hồi sau đại dịch, ông Mauro cho rằng, du lịch là ngành công nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng bởi các bất ổn về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng.
Theo dữ liệu của STR, sau khi đại dịch SARS xảy ra vào năm 2003, công suất phòng khách sạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phục hồi hoàn toàn trong vòng 2 - 3 tháng sau khi WHO đưa ra thông báo đại dịch đã được kiểm soát.
“Do đại dịch Covid-19 có quy mô và có tác động lớn hơn đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ trở lại trong khoảng thời gian ngắn, còn khách quốc tế sẽ có một sự phục hồi chậm nhưng ổn định. Thị trường du lịch dự kiến sẽ có thể phục hồi hoàn toàn trong khoảng 6 tháng sau khi có những công bố chính thức về việc kiểm soát hoàn toàn đại dịch”, ông Mauro nhấn mạnh.
Trong thị trường khách quốc tế, nhóm khách đầu tiên dự kiến sẽ quay trở lại là khách công vụ, tiếp theo là khách du lịch tự do (FIT) và khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE), sau cùng là khách du lịch theo nhóm.
Ông Mauro cho biết thêm, ngành du lịch Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tới hết năm 2020. Tuy nhiên, du lịch là ngành công nghiệp có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những ngành nghề khác. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019) và các nguồn khách từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ở một góc nhìn khác, đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường mang tầm nhìn dài hạn. Do vậy, trong khó khăn chính là những cơ hội giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.
Đánh giá về ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, đại dịch này chắc chắn ảnh hưởng đến thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, làm sụt giảm hẳn lượng khách du lịch trong và ngoài nước tại các điểm du lịch, làm hiệu quả kinh doanh của ngành du lịch giảm sút. Đồng thời, tạo tâm lý e ngại cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường đang sụt giảm yếu kém.
Đối với việc kinh doanh bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, trong ngắn hay dài ngày thì đều ảnh hưởng. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ không có kinh nghiệm sẽ rút lui, giá sẽ giảm. Điều này lại đồng nghĩa với cơ hội cho nhà đầu tư có kinh nghiệm, tầm nhìn, năng lực.
Về sự phục hồi, ông Đính cho rằng, chắc chắn đây là vấn đề mang tính nhất thời và sẽ được kiểm soát. Kể cả cơ chế chính sách cũng chỉ trong thời điểm nhất định vì Chính phủ đã vào cuộc yêu cầu các bộ tháo gỡ một số chính sách. Do đó, chỉ nửa cuối năm 2020, các cơ chế này sẽ được giải quyết.
Minh Phạm