![]() |
Ông Thân Thanh Vũ - Phó Chủ tịch thường trực Hội BĐS Du lịch Việt Nam
Chủ tịch công ty CP Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Sao Khuê, Phó Chủ tịch thường trực Hội BĐS Du lịch Việt Nam - ông Thân Thanh Vũ - chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh những nhận định trong lĩnh vực BĐS nghỉ duỡng đầy cơ hội nhưng hiện hữu không ít rủi ro.
Suốt 1 năm qua, BĐS nghỉ dưỡng được cho là tăng trưởng khá mạnh cả về giá trị lẫn số lượng dự án. Quan điểm của ông về nhận định trên?
Tăng trưởng du lịch cả nội địa và quốc tế, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng, sự mất niềm tin một phần vào thị trường chứng khoán do sự trồi sụt thất thường cùng tính minh bạch trong kế toán kiểm toán (lỗ thành lãi hay lãi thành lỗ xảy ra thường xuyên ở nhiều công ty niêm yết).
Bên cạnh đó, sự quyết liệt trong bán hàng của các DN phát triển các BĐS nghỉ dưỡng - đặc biệt là phân khúc biệt thự/condotel, với việc hứa cam kết cho thuê lại với lãi suất 8,10,12% thật sự quá hấp dẫn (hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm có thời hạn trung bình hiện nay) đã hút một nguồn lực đầu tư lớn vào lĩnh vực BĐS du lịch.
Các địa phương có lợi thế bãi biển đẹp như Phú Quốc, Khánh Hòa, Nha Trang... đang trở thành nơi so găng của hàng loạt đại gia địa ốc cả trong và ngoài nước. Sức cạnh tranh giữa DN nội và ngoại sẽ ra sao?
Hiện nay, chưa có nhiều các tập đoàn lớn có nhiều kinh nghiệm của nước ngoài phát triển các dự án BĐS du lịch lớn tại Việt Nam, ngoại trừ vài dự án như Grant Hồ Tràm ở Bà Rịa Vũng Tàu, Laguna ở Lăng Cô - Huế...
Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung ở khu vực Tp.HCM và Hà Nội. Nhưng các thương hiệu quản lý nước ngoài có tiếng thì đã có mặt nhiều như Accor, Starwoods, Six Senses, Hyatt, Hilton, Marriott… Lý do là chưa có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn có thể là do thủ tục pháp lý cấp phép dự án và thủ tục đất đai quá phức tạp.
Tôi chưa thấy nhà đầu tư nước ngoài nào lớn đã vào Phú Quốc, Khánh Hòa. Vì thế, các DN trong nước vẫn đang có lợi thế tại địa phương của mình. Tuy nhiên, đây là điều dở cho một thị trường dịch vụ cạnh tranh lành mạnh với chất lượng sản phẩm dịch vụ tốt với giá cả cạnh tranh cùng cung cách phục vụ đẳng cấp chuyên nghiệp cho người tiêu dùng, khách du lịch và dân chúng…
Phải chăng dòng tiền cho thị trường địa ốc đang “ưu ái” phân khúc nghỉ dưỡng ven biển. Theo ông, lý do là gì?
Các hoạt động trên bãi biển, trên biển, dưới biển… với nắng ấm, quang cảnh đẹp vẫn luôn hấp dẫn và đa dạng cả ngày lẫn đêm kéo dài trong năm - so với các khu vực miền cao chủ yếu dựa vào khí hậu, cảnh quan. Đó là lý do mà các du khách thường thích kéo ra biển - ở đâu có cầu nhiều ở đó có cung nhiều.
Các bãi biển ở miền Nam với chất lượng cát trắng mịn, màu biển đẹp, độ dốc bãi biển đều, cùng khí hậu nắng ấm nhiều… đây là những lợi thế thu hút du khách nhiều hơn các bãi biển phía Bắc. Do vậy mà đầu tư du lịch biển trong Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn.
BĐS nghỉ dưỡng đang được “tháo van” với số lượng dự án như nấm sau mưa. Nhưng, chính thị trường từng chứng kiến cảnh tượng này và ngay sau đó là dang dở, đắp chiếu. Thảm cảnh đó liệu có khả năng tái diễn?
Có khả năng diễn ra. Hiện nay, tốc độ xây dựng các phòng khách sạn (tính chung hết, bao gồm cả các phòng biệt thự, căn hộ du lịch...) đang lớn hơn so với tốc độ tăng trưởng du khách và cơ sở hạ tầng, nên rất dễ bị mất cân đối, cung vượt cầu. Đơn cử như, tốc độ tăng trưởng du khách đến Phú Quốc trong 5 năm qua là khoảng 30%/năm (rất cao so với trung bình của cả nước), nhưng tốc độ phát triển phòng khách sạn còn cao hơn, lên đến 40%/năm.
Cuối năm 2015, theo thống kê chính thức, Phú Quốc có khoảng 1.100.000 du khách, nhưng tổng lượng phòng các loại trên đảo là 7.500 phòng. Với thời gian lưu trú chỉ khoảng trung bình 1,8 ngày, tính toán ra ta thấy tỷ lệ lấp đầy phòng chỉ khoảng 40%/năm - trong khi mức trung bình sinh lãi là phải từ 62%. So với Phuket của Thailand thì thua xa!
Có ý kiến cho rằng phần lớn các dự án hiện tại vẫn “mạnh ai nấy làm”. Các bãi biển tự nhiên đang bị chính các khu nghỉ dưỡng chiếm giữ, tạo cảm giác chật chội và vô hình trung đe dọa chính khả năng sinh lời của dòng sản phẩm này. Ý kiến của ông?
Thực tế là đang xảy ra điều này. Ai không tin thì cứ đi sẽ thấy. Không chỉ thế, mà còn thấy chỗ nào cũng có rác và nước thải thì thải thẳng ra sông, ra biển. Với kiểu vô trách nhiệm này, vài năm nữa, hậu quả sẽ khôn lường, hết cả cơ hội làm ăn và hết cả môi trường trong sạch cho con cháu!
Văn Nguyễn thực hiện