Chỉ một đoạn phố ngắn mà có tới gần 10 cửa hàng đóng cửa. |
Theo Savills, hiện có 50% doanh nghiệp có mức doanh thu sụt giảm trên 50% so với giai đoạn trước và sau Covid-19 vừa qua. Điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn cầu và các đơn vị bán lẻ đã không thể mở rộng kế hoạch kinh doanh.
Khủng hoảng cửa hàng phố cổ
Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, nhiều cửa hàng mặt tiền trên các tuyến phố cổ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong tình trạng cửa đóng, then cài. Một số cửa hàng mở cửa nhưng chỉ để dọn dẹp hoặc sắp xếp lại các mặt hàng, hầu như vắng bóng khách mua.
Chị Nguyễn Thị Thu, chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) ngậm ngùi chia sẻ, mặt bằng 35m2 với giá thuê 50 triệu/tháng trước đó doanh thu hàng tháng lên tới vài trăm triệu đồng. Nay, chủ nhà đã giảm 30% giá thuê nhưng doanh thu không đủ chi trả tiền thuê, tiền điện - nước. Ba tháng nay phải cầm cự chịu lỗ, nhân sắp sinh con thứ 2, chị quyết định thanh lý toàn bộ hàng hoá để trả lại cửa hàng.
Chỉ sang cửa hàng bên cạnh, chị cho hay, một công ty khá lớn thuê để bán thời trang, đồ lưu niệm, mặt bằng thuê rộng hơn 100m2, từ hồi tháng 2/2020 đến nay, họ chịu lỗ lên tới cả tỷ đồng, vừa buộc phải đóng cửa, trả lại mặt bằng cho chủ nhà.
Các cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố Hàng Gai rao cho thuê nhiều ngày nay. |
Một số cửa hàng mở cửa chỉ để lau chùi, dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc và khi xong việc họ lại ngồi nhìn ra ngoài đường như để xua đi nỗi buồn trong tình cảnh kinh doanh bết bát hiện nay.
Ông Lê Văn An, một chủ nhà trên phố Hàng Bông, có thâm niên sống ở đây gần 50 năm cho biết, đây là giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất của thị trường cho thuê nhà phố mặt tiền. Phía chủ nhà không còn cảnh hét giá cao vẫn có khách xếp hàng tranh thuê. Thay vào đó, chủ nhà hiện phải đối mặt với làn sóng cắt giảm chi phí, trả mặt bằng khá cao.
Thực tế 6 tháng qua, các mặt bằng bán buôn, kinh doanh bỏ trống đang trở nên phổ biến tại những tuyến phố cổ đắc địa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Từ quý I, tình trạng kinh doanh ế ẩm, kéo dài sang quý II và chưa có dấu hiệu cải thiện. Thậm chí đến tháng 8, tình trạng trả lại mặt bằng trống vẫn tăng dần dù tại vị trí đắc địa trước đây không có một “khe cửa” nào cho khách thuê đến sau.
Thay đổi phương án kinh doanh
Ông Lê Tuấn Bình, Trưởng bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết, tỷ lệ mặt bằng trống tại trung tâm thương mại và vị trí đắc địa tại các đô thị đang tăng lên, đặc biệt khu vực trung tâm, khu vực phố cổ. Điều này dẫn đến nguồn cung tăng lên đáng kể và có sự điều chỉnh về mặt bằng giá thuê. Theo đó, giá mặt bằng cửa hàng phố cổ giảm rất sâu so với thời kỳ trước dịch, tương đương khoảng 30-40%.
Khảo sát của Savills cho thấy, hiện có 50% doanh nghiệp và chủ hàng có mức doanh thu sụt giảm trên 50% giai đoạn trước và sau Covid-19 vừa rồi.
Tình cảnh này tương tự trên phố Hàng Đào. |
Theo ông Bình, chính vì điều này, chủ nhà sẽ phải nhìn nhận việc cho thuê phù hợp với mặt bằng thị trường hơn. Thứ nhất là giá thuê: chủ nhà phố cổ trước đây chưa bao giờ phải đi gặp chủ hàng đàm phán giá thuê, mà sẽ là người lựa chọn khách thuê, bên nào trả cao nhất thì sẽ cho thuê. Tuy nhiên, bây giờ các chủ nhà phố cổ phải đưa ra các phương án giá phù hợp hơn với thị trường.
Thứ hai là phải có sự linh hoạt hơn về phương án cho thuê. Những năm trước, các chủ nhà có rất ít phương án cho thuê mặt bằng, nhưng gần đây có thể linh hoạt hơn, như chia mặt bằng thành các ô có diện tích nhỏ để khách thuê có thể lựa chọn. Đồng thời, có các điều kiện trong hợp đồng như thời hạn thuê hay các điều khoản về điều chỉnh giá thuê.
Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn chuyên phân phối bất động sản cho rằng, tình trạng nhà mặt tiền phố cổ cửa đóng then cài có rất nhiều nguyên nhân: sức mua giảm, tình hình kinh doanh giảm sút; phụ thuộc khá nhiều vào khách quốc tế… Tuy nhiên, dù nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp thì đều bắt nguồn từ dịch Covid-19.
Bị ảnh hưởng trực tiếp là người đi thuê, gián tiếp là chủ thuê. Bởi khách thuê bị đọng vốn rất nhiều, dù có thể được cắt giảm tiền thuê nhưng đã đến mức họ không thể trụ lại, buộc phải đóng cửa trả mặt bằng.
Theo đó, khoảng 1-2 năm tới, bất động sản trên phố cổ mới có thể hồi phục được, thậm chí khó có thể phục hồi nếu không chuyển sang mô hình kinh doanh kiểu khác.
“Nhà phố cổ là một loại hình bất động sản độc đáo, duy nhất gắn với các yếu tố văn hoá lịch sử, khó có khu vực thứ 2, nên vẫn có giá trị. Do đó, cần phải bán sản phẩm như đồ lưu niệm gắn với giá trị văn hoá lịch sử phố cổ. Hy vọng khi Covid-19 được kiểm soát, phố cổ sẽ thay đổi được các yếu tố đó thì sẽ mang lại giá trị cao”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Hải Sơn