Những ngày đầu năm 2025, bất động sản công nghiệp tiếp tục làn sóng trong năm trước khi ghi nhận hàng loạt dự án “khủng” dự kiến triển khai. Đáng chú ý, không chỉ tại các tỉnh, thành phố trung tâm, sóng bất động sản công nghiệp đang lan rộng tới nhiều khu vực xa hơn.
“Mưa” dự án
Điển hình, tại Nghệ An, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn mới đây đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án WHA Industrial Zone 2 - Nghệ An thuộc Khu công nghiệp Nam Cấm D. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An.
Dự án dự kiến thực hiện tại xã Nghi Hưng, xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc với diện tích hơn 183ha. Vốn đầu tư là 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 216 tỷ đồng.
Tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2). Nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ.
Diện tích khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 2 vào khoảng hơn 540ha. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Vĩnh Trinh và xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Dự án có vốn đầu tư 7.850 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư hơn 1.178 tỷ đồng.
Bất động sản công nghiệp được dự báo tiếp tục là phân khúc ngôi sao trong năm 2025. |
Trong khi đó, tại các tỉnh Hải Phòng, Đăk Lăk loạt khu công nghiệp quy mô lớn như Nomura giai đoạn 2 (Hải Phòng), diện tích hơn 197 ha; khu công nghiệp Phú Xuân (Đăk Lăk) cũng được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Không chỉ những cái tên lớn được phê duyệt, hàng loạt chủ đầu tư như CTCP Đầu tư khu công nghiệp Vĩnh Lộc - Bến Lức cũng đề xuất xây dựng dự án khu công nghiệp 500 ha tại Đồng Nai. Các tên tuổi như Sojitz (Nhật Bản), Sovico, Saigon Tel… cũng có ý định đầu tư các dự án tại Đồng Nai...
Từ những diễn biến thực tế, phân khúc bất động sản công nghiệp được dự báo tiếp tục là ngôi sao sáng, giàu triển vọng bậc nhất trong năm 2025 và 2026. Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bất động sản khu công nghiệp hiện ghi nhận tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD. Năm 2025, cả nước dự kiến sẽ có 1.704 cụm công nghiệp với tổng diện tích 58.123 ha.
Bài toán “nắn” dòng vốn
Đánh giá về triển vọng bất động sản công nghiệp năm 2025, bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam, cho biết giai đoạn 2024-2027, Việt Nam dự kiến có khoảng 15.200 ha nguồn cung đất công nghiệp, hơn 6 triệu m2 tổng nguồn cung kho xưởng.
Cùng với sự gia tăng nguồn cung, nhu cầu cũng sẽ tăng trưởng tích cực với trợ lực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là làn sóng dịch chuyển Trung Quốc +1 và quá trình thực hiện các cam kết thương mại. Đặc biệt, việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ giúp thay đổi mạnh về công nghệ, thu hút đầu tư vào công nghệ cao, chất bán dẫn…
Dễ nhận thấy, trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, trên đà tiến lên của nền kinh tế, thị trường Việt Nam đã đón không ít các dự án sản xuất, ở đủ ngành nghề, với số vốn đầu tư hàng tỷ, thậm chí là hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, bài toán lúc này là chuyển dần từ “may sẵn” sang “may đo”, nắn dòng tiền vào các lĩnh vực sản xuất xanh, bền vững.
Đồng tình về tiềm năng khổng lồ của bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, ông Thomas Rooney, chuyên gia cao cấp của Savills Hà Nội, cho rằng hiện nay, hầu hết các dự án khu công nghiệp đều được phát triển theo mô hình truyền thống.
“Việc chuyển đổi một khu công nghiệp thông thường thành khu công nghiệp thân thiện với môi trường không đơn giản vì chi phí tốn kém, cần thời gian và sự xem xét kỹ lưỡng của Chính phủ về khung pháp lý như những chính sách ưu đãi cùng với việc áp dụng hỗ trợ tín dụng cho các nhà đầu tư giúp giảm gánh nặng chi phí ban đầu”, ông Thomas nhấn mạnh.
Chính vì vậy, để bất động sản công nghiệp duy trì sức hấp dẫn và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, các cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông cần tiếp tục được phát triển, quy hoạch đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, các nhà phát triển, nhà đầu tư cần chú trọng đến các xu hướng chung của ngành.
Trong đó, xu hướng phát triển bền vững, cụ thể là việc phát triển các khu công nghiệp xanh, đang ngày càng được quan tâm. Việc chuyển đổi và phát triển các khu công nghiệp xanh sẽ mang lại nhiều lợi thế cho các nhà xưởng, kho bãi so với các mô hình truyền thống. Các dự án xanh không chỉ đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp, mà còn tạo ra môi trường phát triển, làm việc tích cực.
Rõ ràng, xu hướng xanh và bền vững tại các khu công nghiệp là định hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Không chỉ đem lại lợi ích về môi trường, xu hướng này chính là một lợi thế cạnh tranh của các khu công nghiệp tại Việt Nam với các “đại bàng” trong khu vực và toàn cầu.
TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia bất động sản, khẳng định các địa phương, doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có trình độ. Bởi, ưu tiên hàng đầu hiện nay tại các khu công nghiệp là các lĩnh vực tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm lĩnh vực thâm dụng lao động.
Hưng Nguyên