Theo phản ánh của tập thể người mua nhà, vị trí “vàng” của dự án (177 Trung Kính) được coi là một trong các điểm cộng của Home City khiến người dân quyết định bỏ số tiền lớn ra sở hữu. Tuy nhiên, giữa những gì ghi trong quảng cáo bán hàng, hợp đồng mua bán với thực tế bàn giao không có sự đồng nhất.
“Leo cây” cùng Văn Phú Invest
Từ đầu tháng 11/2016, người dân dọn về ở tổ hợp Home City, cho biết: “chủ đầu tư đã bịt lối 177 Trung Kính, ngăn cản cư dân đi lại lối này, mặc dù trên tất cả văn bản của cơ quan quản lý nhà nước, đến hợp đồng mua bán đều thể hiện tại địa chỉ này”.
Đơn phản ánh của cư dân nêu vấn đề: Thay vì lối đi 177 Trung Kính, hiện cư dân đang phải sử dụng một lối phụ trên đường Nguyễn Chánh với đặc điểm là không có địa chỉ rõ ràng, không có nhận diện chung cư trên cổng, cổng vào tạm bợ, khuất tầm nhìn… Trong khi đó, đường Nguyễn Chánh có mật độ giao thông cao vì là đường lớn, khu vực cổng vào Home City không có tín hiệu đèn giao thông nên gây nguy hiểm tới tính mạng của cư dân khi rẽ vào Home City.
Ông Phạm Đình Tuân, đại diện nhóm khách hàng, phân tích: “Đường Nguyễn Chánh nối với đường vào khu căn hộ rất nhỏ, nhiều cây to nên khuất tầm nhìn. Chúng tôi đã làm việc vài lần với chủ đầu tư, song lời giải thích của họ chưa thỏa đáng. Thất vọng hơn là ban đầu, chủ đầu tư và nhà phân phối dự án không cho người dân biết phải đi đường Nguyễn Chánh. Trong khi đó, hồ sơ hợp đồng đều ghi là đường Trung Kính. Khi dân đến nhận nhà thì đi đường Trung Kính, sau khi ra về, bị ép đi đường Nguyễn Chánh. Chúng tôi cảm giác như bị lừa”.
Ở diễn biến liên quan, cộng đồng cư dân đã gửi đơn khiếu nại Chủ đầu tư Văn Phú về việc này nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng và hiện nay, chung cư Home City không có lối vào một cách chính thức.
Theo trả lời của Chủ đầu tư Văn Phú trong biên bản họp với cộng đồng cư dân ngày 8/1 vừa qua, Chủ đầu tư Văn Phú trình ra bản quy hoạch 1/500 thể hiện rõ: Khu đất quy hoạch 177 Trung Kính (ô quy hoạch số 34 của quận Cầu Giấy) gồm hai dự án thành phần là HH (hỗn hợp) và TH (Tiểu học).
Theo đó, ô HH đã được xây thành 4 tòa của Home City hiện nay; ô TH là dự án xây trường tiểu học của quận Cầu Giấy; Văn Phú sẽ triển khai xây dựng trong năm 2017, xây xong bàn giao lại cho quận Cầu Giấy.
“Sau này, giữa ô HH và ô TH sẽ được xây tường ngăn, chia thành hai khu riêng biệt. Do đó, lối đi của cư dân ra phía Trung Kính là không có” – đơn phản ánh của người dân lập luận.
Tại văn bản 01/2017/CV-VPTK gửi UBND Tp.Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy ngày 3/1/2017, ông Lê Đăng Minh – Giám đốc công ty Văn Phú – Trung Kính cũng xác nhận: Dự án đã hoàn thiện, tuy nhiên đường vào dự án theo quy hoạch từ đường Nguyễn Chánh và đường Mạc Thái Tổ chưa được triển khai thi công, gây khó khăn cho cư dân trong đi lại và sinh hoạt tại khu dân cư.
![]() |
Lối đi chính thức (theo quảng cáo bán hàng của dự án) đã được “hướng dẫn” sang lối phía sau – dài hơn chừng 1km và rất khó nhận diện.
Ma trận quản lý, phí dịch vụ
Chưa hết, cư dân còn đặt dấu hỏi về khả năng cung ứng dịch vụ của đơn vị quản lý non trẻ, là công ty SPS – công ty “người nhà” của Chủ đầu tư Văn Phú, mới được thành lập hơn một năm, bởi quá nhiều vấn đề phát sinh sau khi chung cư Home City đi vào phục vụ Thượng đế.
Nội tình như sau: Chủ đầu tư đã tự ý kẻ vạch, hình thành bãi đậu xe trái phép trên đường vào dự án (từ đường Nguyễn Chánh vào), thu phí gửi xe trái quy định với giá cắt cổ. Chủ đầu tư lý giải hàng loạt lý do: không quản lý được tình trạng đỗ xe tràn lan trong thời điểm sau bàn giao nhà, các đơn vị thi công vận chuyển đồ và cư dân dọn về nhà mới…
Người dân khẳng định rằng việc bãi đậu xe hình thành trái phép hiện nay rất phản cảm và trái quy định pháp luật, lấn chiếm đường đi của cư dân. Đáng nói là chủ đầu tư cho đơn vị vào khai thác bãi đỗ xe cũng gây mất an toàn cho cư dân.
Bức xúc hơn nữa, bãi đậu xe này còn thu phí trông xe theo giờ rất cao, không được Nhà nước cho phép – đơn phản ánh nêu rõ. Theo đó, phí gửi xe ô tô cao hơn cả các chung cư cao cấp lân cận như Mardarin Garden hay Chelsea Park. Đơn cử, phí gửi xe ô tô 1.500.000 đồng/tháng/xe đầu tiên, đối với gia đình có hai xe, xe thứ hai sẽ tính 2.000.000 đồng/tháng (?)
Bức bối nhất vẫn là việc SPS tính phí gửi xe theo block. Nếu gửi xe trong vòng 12 tiếng, từ 6h tối đến 6h sáng hôm sau, phải trả 130.000 – 150.000 đồng. Trung bình gửi ban ngày là 25.000 đồng cho hai tiếng đầu, 10.000 đồng cho một tiếng tiếp theo. Ban đêm phí gửi xe lên tới 45.000 đồng cho hai tiếng đầu (!)
Cuối cùng, theo cư dân, những tiện ích hạ tầng khác có dấu hiệu độc quyền, thu chênh phí dịch vụ. Hiện tại, người dân ký dịch vụ truyền hình VTVCab phải mất phí gần 500.000 đồng khi thông qua công ty Sơn Hà.
Trong khi đó, bảng giá quy định của VTVCab là 110.000 đồng đối với hộ cá thể. Trường hợp cư dân trực tiếp đăng ký dịch vụ truyền hình Viettel hay VNPT sẽ không mất thêm khoản phí nào, nhưng công ty Sơn Hà không hỗ trợ…
Đông Hưng