Ngày 12/2, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức buổi thông tin báo chí liên quan đến các sai phạm tại dự án 8B Lê Trực khiến dư luận bức xúc trong suốt thời gian dài vừa qua.
Thủ tướng đã chỉ đạo
Nhiều câu hỏi của phóng viên gửi đến UBND quận Ba Đình về sai phạm còn tồn tại từ cách đây 4 năm mà quận không xử lý dứt điểm?
Trả lời câu hỏi này, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, cho rằng quản lý trật tự xây dựng là trách nhiệm của cơ quan địa phương, cụ thể là quận Ba Đình. Quận đã có hình thức xử lý các cán bộ trật tự xây dựng và đã có báo cáo TP Hà Nội.
Liên quan đến việc chưa có quyết toán phá dỡ giai đoạn 1, ông Chiến cho rằng, chưa phê duyệt do đơn vị phá dỡ dùng máy cắt bằng dây kim cương. Đây là loại máy hiện đại, hiện cả Việt Nam chỉ có 1 - 2 máy này. Chính vì vậy, đơn giá định mức chưa được phê duyệt, chưa lập được dự toán. Hiện, quận mới tạm ứng cho đơn vị thi công, chứ chưa quyết toán.
Cũng theo ông Chiến, giai đoạn 2, Hà Nội đã báo cáo Bộ Xây dựng và Viện Kinh tế Bộ Xây dựng, 2 cơ quan này sẽ khảo sát, lập định mức đơn giá của giai đoạn 2, sau đó dùng đơn giá của giai đoạn 1 để áp dụng cho giai đoạn 1.
Dự án 8B Lê Trực được các cơ quan chức năng xác định sai phạm cụ thể là từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so khối đế nhưng chủ đầu tư xây thẳng đến mái; phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m phải giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây nhưng chủ đầu tư không giật cấp, làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Dự án này tồn tại suốt 4 năm qua, được nhiều cấp, ngành lên tiếng và báo chí phản ánh nhiều lần, thậm chí Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội giải quyết dứt điểm, nhưng đến nay những vi phạm này vẫn còn tồn tại.
UBND quận Ba Đình không trả lời được khi nào phá dỡ xong phần vi phạm tại Dự án 8B Lê Trực (Ảnh: Internet) |
Khi nào sẽ phá dỡ phần vi phạm?
Liên quan đến tính hợp pháp của Giấy phép số 11/GPXD-SXD cấp ngày 24/3/2014, theo đó, giấy phép xây dựng này thay vì cấp 20 tầng như Quyết định 2452/QĐ-UBND của UBND TP đã điều chỉnh xuống còn 18 tầng, chiều cao công trình cũng được điều chỉnh từ 69,1m xuống còn 53m, tức mỗi tầng cao 2,94m.
Tuy nhiên, theo đúng quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng thì chiều cao căn hộ chung cư trung bình là từ 3 - 3,6m. Còn theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, chiều cao thông thủy các phòng trong nhà và công trình công cộng không được dưới 3m.
Về vấn đề này, ông Tạ Nam Chiến giải thích, việc cấp Giấy phép xây dựng dựa trên cơ sở hồ sơ kỹ thuật do chủ đầu tư lập và xây dựng. "Hồ sơ này được các nhà tư vấn lập, vì vậy không lẽ chủ đầu tư không biết hay chủ đầu tư cố tình xây dựng sai phép ngay từ đầu? Nếu chủ đầu tư biết mà vẫn lập thì dư luận cần lên án”, ông Chiến nói.
Khi được hỏi quy trình cấp phép xây dựng, không phải chủ đầu tư đệ trình phương án, mà Sở Xây dựng hướng dẫn các thủ tục để chủ đầu tư hoàn thiện, đủ điều kiện mới được cấp phép xây dựng? Ông Chiến cho hay, về cấp giấy phép xây dựng, trước hết Sở Xây dựng căn cứ vào các quy định cấp phép và quy định của thành phố, xem xét hồ sơ thiết kế của chủ đầu tư. Nếu không vi phạm thì mới cấp.
Đồng thời, ông Chiến cho rằng, vấn đề này là thẩm quyền của Sở Xây dựng, UBND quận không đủ thẩm quyền để phán xét, phê bình, đúng hay không đúng.
Một điểm mà chưa thoả đáng đó là buổi họp thông tin cho báo chí ngày 12/2 không có lãnh đạo của Sở Xây dựng, do đó, câu chuyện Giấy phép xây dựng số 11 cấp có đúng luật hay không và có được làm căn cứ để ra Quyết định cưỡng chế sai phạm tại dự án này hay không một lần nữa lại rơi vào im lặng.
Buổi họp nóng lên trước câu hỏi của các phóng viên về việc khi nào sẽ thực hiện xong việc phá dỡ vi phạm tại công trình 8B Lê Trực. Theo ông Chiến, hiện nay chưa tìm được đơn vị tư vấn thiết kế, phá dỡ, việc thiết kế phá dỡ này rất khó khăn vì cần đảm bảo an toàn cho công trình hiện tại và sau này.
Quận cũng đang tích cực tìm đơn vị tư vấn, phá dỡ, thậm chí đã xin ý kiến thành phố về việc đi thuê đơn vị tư vấn nước ngoài. Khi các phương án phá dỡ được phê duyệt, việc phá dỡ sẽ mất khoảng 1 - 2 tháng.
"Hiện chưa có đơn vị đủ năng lực, nên chỉ làm công việc chuẩn bị, còn khi nào tìm được sẽ thông tin đến báo chí sau", ông Chiến cho hay.
Một lần nữa, những người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực lại phải thất vọng khi UBND quận Ba Đình cũng không thể đưa ra được mốc thời gian cụ thể.
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc bao giờ người dân nhận nhà? Ông Chiến cho biết, chủ đầu tư phải trả lời, vì đây là quan hệ mua bán giữa chủ đầu tư với người dân.
"Chúng tôi đã cố gắng thực hiện xử lý vi phạm, nhưng chủ đầu tư không phối hợp, làm ảnh hưởng đến tiến độ phá dỡ”, ông Chiến nói.
Như vậy, cả câu hỏi khi nào sẽ phá dỡ xong phần vi phạm và bao giờ người dân sẽ được nhận nhà vẫn không được UBND quận Ba Đình trả lời thoả đáng. Việc thời điểm nào được nhận nhà sẽ thuộc phần của chủ đầu tư, tuy nhiên nếu chưa dứt điểm phần vi phạm thì chính chủ đầu tư cũng không thể trả lời được người dân khi nào mới nhận được nhà.
Phạm Minh