![]() |
Hàng loạt chỉ thị, văn bản và các quyết định thanh tra, kiểm tra các dự án vi phạm quỹ bảo trì chung cư (Ảnh: Int) |
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản 3734/UBND-SXD, thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 15/9/2021 của Bộ Xây dựng về tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.
Theo đó, UBND TP giao Sở Xây dựng thanh tra chuyên ngành về nhà ở trên địa bàn thành phố, trong đó tăng cường thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các nhà chung cư. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định.
Công an thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định…
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vietbuilding đánh giá, lâu nay vấn đề quỹ bảo trì của nhà chung cư là điểm nhức nhối, kéo dài. Đây là tranh chấp giữa chủ đầu tư với ban quản trị, giữa ban quản trị với cư dân, giữa chủ đầu tư với cư dân về tính minh bạch trong việc sử dụng quỹ bảo trì, phần sở hữu chung riêng.
Mặc dù pháp luật liên quan đến vấn đề này tương đối đầy đủ trong Luật Nhà ở năm 2014, nhưng với Chỉ thị 02 của Bộ Xây dựng và Văn bản 3734 của Hà Nội đã cụ thể hoá rất tích cực trong vấn đề vi phạm, lạm dụng sử dụng quỹ bảo trì chung cư.
Thực tế, quỹ bảo trì của một toà chung cư cỡ nhỏ từ 5-7 tỷ đồng, ở dự án lớn hơn từ 20-30 tỷ đồng, thậm chí có những dự án hàng trăm tỷ đồng. Đây là nguồn tiền có giá trị mà một số chủ đầu tư chiếm dụng vốn để kinh doanh, không gửi ngân hàng, rất có lợi cho chủ đầu tư.
Điều cần thiết lúc này, theo ông Tuấn, là có chế tài pháp luật đủ mạnh răn đe đối với các đơn vị vi phạm. Trước đó, các văn bản quy phạm pháp luật quy định xử phạt chủ đầu tư, ban quản trị vi phạm đã được ban hành. Tuy nhiên, Văn bản 3734 đã nhấn mạnh giao cho công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan điều tra khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với chủ thể.
“Chưa biết văn bản này sẽ được thực hiện như thế nào, nhưng đây là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những đơn vị vi phạm quỹ bảo trì, không thể lợi dụng là chủ đầu tư để chiếm dụng vốn”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước đó, hồi đầu năm 2021, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 ban quản trị tại 24 nhà chung cư có nhiều đơn khiếu nại gay gắt trên địa bàn TP Hà Nội trong “công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư”.
Kết quả cho thấy, 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang cho ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì là hơn 338,6 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu 7/8 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định, phải chuyển sang tài khoản cho ban quản trị, phải quyết toán số liệu chuyển sang cho ban quản trị số tiền 251 tỷ đồng...
Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây nhất, Thanh tra Bộ xây dựng đề xuất thực hiện 2 chuyên đề diện rộng thanh tra năm 2022 sẽ tập trung vào thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn tỉnh (thành phố) và thanh tra về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Điều này cho thấy, công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư đang được các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước và địa phương rất quan tâm. Hy vọng, thời gian tới các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp này sẽ được giải quyết tận gốc.
Phạm Minh