Ngày 4/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Trong đó, Nghị định số 123/2024/NĐ-CP quy định cụ thể mức phạt đối với từng trường hợp sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn sẽ bị phạt tối đa tới 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
Cụ thể, hành vi chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp bị phạt tiền từ 2 - 30 triệu đồng; hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) thuộc địa giới hành chính của xã bị phạt từ 3-150 triệu đồng; hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã bị phạt từ 20-200 triệu đồng tùy theo diện tích đất vi phạm.
Nghị định nêu rõ hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì hình thức và mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt tương ứng với quy định trên.
Nghị định số 123/2024/NĐ-CP quy định hành vi sử dụng các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép bị phạt từ 20-100 triệu đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm.
Bên cạnh đó, Nghị định trên cũng quy định rõ đối với hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định ở trên và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
Mức phạt từ 10-500 triệu đồng đối với hành vi sử dụng đất mà Nhà nước đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng người được giao đất, cho thuê đất chưa được bàn giao đất trên thực địa.
Mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm.
Được biết, thời gian gần đây, tại nhiều địa phương diễn ra hàng loạt công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích, thậm chí có nơi còn chiếm dụng đất công "biến hình" thành nhà xưởng, khu đô thị.
Tình trạng sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp và đất dự án thuộc quy hoạch đã trở thành một vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương trên cả nước.
Đặc biệt, việc lấn chiếm và sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích phi nông nghiệp như xây dựng nhà xưởng, cơ sở kinh doanh trái phép, đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.
Đơn cử, tại một số huyện vùng ven Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương xảy ra hàng loạt diện tích đất nông nghiệp đã bị biến thành các khu nhà xưởng tạm bợ. Nhiều DN nhỏ lẻ và hộ dân đã tự ý san lấp, đổ trộm chất thải để tạo mặt bằng xây dựng, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về sử dụng đất, như tại một số khu vực ven Đại lộ Thăng Long, hay ở một số huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Thường Tín… Hậu quả là đất nông nghiệp bị phá hoại, gây ảnh hưởng đến môi trường và giảm sút sản lượng nông nghiệp.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những sai phạm này không chỉ vi phạm quy định pháp luật về quản lý và sử dụng đất, mà còn gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho môi trường và xã hội.
Một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đất đai cho biết: “Chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và người dân trong việc giám sát và bảo vệ tài nguyên đất. Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm sẽ là bài học răn đe cho những ai có ý định vi phạm. Việc xây dựng một cơ chế quản lý đất đai minh bạch và hiệu quả là yếu tố then chốt để ngăn chặn tình trạng sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp và đất dự án”.
Hồng Hương