Trong khi Trung tâm thương mại bị ảnh hưởng không đáng kể thì mặt bằng nhà phố đối mặt với thách thức lớn (Ảnh: TL) |
Theo Savills TP. HCM, tính đến quý III/2020, tổng nguồn cung bán lẻ hiện đại tại TP.HCM đạt gần 1,5 triệu m2, tăng 1% theo quý và 5% theo năm. Trong đó, nguồn cung từ các trung tâm mua sắm chiếm tỷ trọng cao nhất 62% tổng nguồn cung và tăng trưởng liên tục với trung bình 17% mỗi năm. Loại hình bán lẻ này có xu chuyển dịch ra các khu vực ngoài trung tâm với tốc độ tăng trưởng nguồn cung của khu vực ngoài trung tâm là hơn 20% mỗi năm trong khi tại trung tâm gần như ổn định trong 5 năm gần đây.
Trong 9 tháng đầu năm, hai đợt Covid tác động không đáng kể đến phân khúc trung tâm thương mại. Trong quý III/2020, phân khúc này có sự giảm nhẹ về công suất lấp đầy -1 điểm so với thời điểm quý IV/2019, nhưng vẫn duy trì ở mức cao 95%, trong khi giá chào thuê trung bình gần như không đổi.
Theo tìm hiểu, việc hỗ trợ giá đến khách thuê dưới tác động Covid vẫn diễn ra cho cả các trung tâm thương mại và nhà phố cho thuê. Tuy nhiên, số lượng dự án trung tâm thương mại áp dụng giảm giá thuê hổ trợ khách thuê không nhiều và chủ yếu tập trung tại các khu vực ngoài trung tâm.
Các hình thức hỗ trợ như giảm 10% - 30% trên giá thuê trong ngắn hạn cho khách thuê mới hoặc các khách thuê bị tác động lên kết quả kinh doanh do Covid, giảm từ 1- 2 USD trên phí dịch vụ. Trong khi đó, các dự án tại khu vực trung tâm gần như không đưa ra chính sách hỗ trợ nào khi tỷ lệ lấp đầy tại khu vực này đạt gần 100% và các vị trí trống được cho thuê nhanh chóng.
Ngược lại, mặt bằng nhà phố đối mặt với thách thức lớn, số lượng mặt bằng nhà phố đang chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều, tuy nhiên, tốc độ lấp đầy lại rất chậm. Các cung đường thương mại lớn như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế, Lê Lợi hay Phạm Ngũ Lão tại Quận 1 khó cho thuê.
Lý giải tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, khó khăn của phân khúc nhà phố có thể đến từ một số lý do chủ nhà vẫn rất lạc quan vào đà hồi phục của thị trường và không có ý định giảm giá chào thuê; khách thuê vẫn tiếp tục giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử. Nhất là tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch, khách thuê vẫn quyết trả mặt bằng dù một số chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê trong ngắn hạn.
Đánh giá về nguồn cung trong tương lai, Savills cho biết, trong ba tháng cuối năm 2020, thị trường TP. HCM có thêm hơn 50.000 m2 từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm hơn 80% thị phần. Nhiều nhãn hàng nước ngoài hiện tạm hoãn kế hoạch gia nhập thị trường và nhiều doanh nghiệp hạn chế mở rộng thị trường có thể ảnh hưởng đến công suất thuê của thị trường.
Khảo sát của Savills vào quý III/2020, khách thuê thuộc ngành hàng F&B và thời trang cũng có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê hoặc do trả mặt bằng hoặc do giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Xu hướng giảm diện tích thuê hoặc trả những cửa hàng hoạt động không hiệu quả sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Minh Trang