Theo thống kê của VNREA, thị trường hiện có 328 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó có 256 KCN đã đi vào hoạt động, 72 KCN đang xây dựng, 46 KCN đã đạt tỷ lệ lấp đầy và đang được mở rộng. Các chuyên gia đầu ngành về kinh tế và bất động sản (BĐS) nhận định phân khúc BĐS công nghiệp giai đoạn 2020 -2025 sẽ là “cơ hội vàng” cho các nhà đầu tư bởi 4 yếu tố chính sau:
Thứ nhất, trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, Việt Nam được ghi nhận là trở thành một cứ điểm sản xuất quan trọng trong 5 năm tới.
Thứ hai, thương mại điện tử Việt Nam tăng nhanh, theo đó logistics (kho vận) cũng phải đồng bộ. Vì thế, các doanh nghiệp logistics cũng đang nhanh chóng đầu tư hạ tầng để chiếm giữ miếng bánh lớn trong tương lai. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào BĐS công nghiệp tại Việt Nam.
Thứ ba, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện vẫn chưa có kết cục rõ ràng và thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam đang ít nhiều hưởng lợi từ điều này và đạt đà tăng trưởng cao.
Thứ tư, các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ xóa bỏ 99% thuế hải quan, hàng hóa thông thương sẽ gia tăng, thu hút vào lĩnh vực BĐS công nghiệp.
BĐS công nghiệp đang hút các nhà đầu tư nước ngoài (Ảnh: Internet) |
Hiện nay, các nhà đầu tư từ nước ngoài đang đẩy mạnh liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp nội địa, nhằm khai thác triệt để tiềm năng của thị trường công nghiệp - thương mại điện tử - logistics tại Việt Nam. Hiện có 4 quốc gia đang đầu tư mạnh vào thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Giá thuê đất công nghiệp đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu dịch chuyển.
Cụ thể, đối với thuê đất/chu kỳ, tại miền Bắc là 88,2 USD/m2/chu kỳ, miền Nam 132 USD/m2/chu kỳ (so sánh với Trung Quốc 180 USD/m2/chu kỳ). Đối với nhà xưởng xây sẵn: miền Bắc 4,8 USD/m2/tháng; miền Nam 4,5 USD/m2/tháng.
Bên cạnh đó, BĐS công nghiệp cũng đang tác động tích cực và trực tiếp đến các thị trường khác như nhà ở, văn phòng cho thuê... khi các tập đoàn đa quốc gia sẽ đem theo một đội ngũ rất lớn chuyên gia, người lao động đến khu vực mà họ đặt nhà máy, văn phòng làm việc từ đó các phân khúc này được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA cho biết, BĐS công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển và dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
BĐS công nghiệp 2020 cũng được dự báo, sẽ là năm của KCN đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng, nhà xưởng xây sẵn tích hợp các dịch vụ và công nghệ 4.0. Đồng thời là năm chuyển đổi KCN từ mô hình truyền thống sang mô hình thương mại, dịch vụ, cụm công nghệ cao gắn với đô thị hiện đại. Ngoài ra, 2020 cũng sẽ là năm ưu tiên sử dụng mô hình KCN sinh thái, KCN năng lượng tái tạo.
Phạm Minh