Theo công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ, HoREA cho rằng, công tác quản lý nhà nước về đất đai có nhiều bất cập, gây thất thoát tài sản Nhà nước và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.
Cụ thể, có thể kể tới như việc chỉ định nhà đầu tư dự án có sử dụng đất không đúng đối tượng được chỉ định mà không thông qua phương thức đấu thầu rộng rãi, không đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng lỏng lẻo trong quá trình thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp có nhiều quỹ đất có giá trị cao; lỏng lẻo trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư, bằng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý đất đai được HoREA chỉ ra (Ảnh minh hoạ: Internet) |
"Có tình trạng cho thuê đất công với giá thấp so với giá thị trường, hoặc chuyển nhượng quỹ đất dự án của doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân với giá thấp hơn giá thị trường, không đúng quy định pháp luật. Có tình trạng thỏa thuận ngầm giữa cán bộ nhà nước và doanh nghiệp để "cưa đôi, cưa ba" tiền sử dụng đất dự án bất động sản, dẫn đến vừa thất thu ngân sách, vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà", HoREA cho biết.
Tuy nhiên, HoREA vẫn đánh giá, nguồn thu từ đất đai cũng có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Cụ thể, ngân sách nhà nước thu trực tiếp 7 khoản thu tài chính từ đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 107 Luật Đất đai 2013, trong đó có tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất.
Đồng thời, Nhà nước còn tiếp tục thu ngân sách được nhiều hơn, bền vững hơn sau quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở, để phát triển các khu đô thị, dân cư, các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch.
Theo Hiệp hội, nguồn thu từ đất chiếm khoảng trên dưới 8% ngân sách địa phương, là nguồn thu rất quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Riêng số liệu của Cục Thuế TPHCM, cho biết nguồn thu từ đất chiếm 11,75% tổng thu ngân sách thành phố năm 2017.
Nguồn thu này có xu thế tăng dần qua các năm cùng với tiến trình gia tăng tốc độ đô thị hóa, như sau: Năm 2014 thu 8.298 tỷ đồng (chưa bao gồm số thu từ thuế thu nhập do chuyển nhượng bất động sản và lệ phí trước bạ); năm 2015 thu 21.720 tỷ đồng; năm 2016 thu 24.632 tỷ đồng; năm 2017 thu 27.170 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng thì nguồn thu ngân sách từ đất đai bị sụt giảm nghiêm trọng, điển hình là năm 2013, số thu tiền sử dụng đất chỉ đạt khoảng 5.600 tỷ đồng chỉ bằng phân nửa số thu năm 2012 (10.000 tỷ đồng). Riêng năm 2018, do sự sụt giảm quy mô thị trường bất động sản thành phố đến 34,2% nên nguồn thu từ đất chỉ đạt 22.600 tỷ đồng, chỉ còn chiếm 9,32% tổng thu ngân sách, trong đó số thu tiền sử dụng đất đã giảm đến 22,5% so với năm 2017.
Ngoài ra, HoREA chỉ ra một số nguồn thu từ đất đai chưa được khai thác, như: thuế tài sản bất động sản; thuế chống đầu cơ bất động sản, chậm đưa đất vào sử dụng; Thuế thu trên giá trị gia tăng của đất đai do Nhà nước đã đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hoặc thu thông qua thuế tài sản bất động sản hàng năm.
HoREA nhấn mạnh, hiện đang có tình trạng khai thác quá mức phương thức "trực thu", thu tiền sử dụng đất một lần quá lớn, đang là gánh nặng cho doanh nghiệp và người mua nhà, đồng thời về lâu dài sẽ cạn kiệt nguồn thu này. Phương thức thu tiền sử dụng đất hiện nay đang là "ẩn số", không minh bạch và tạo ra cơ chế "xin-cho", gây nhũng nhiễu, tiêu cực mà doanh nghiệp và người dân phải gánh chịu.
Trước hàng loạt các bất cập về thu tiền sử dụng thuế đất, HoREA đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai 2013 để phát huy nguồn lực đất đai trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Minh Sơn