Khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm từ 20 - 30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% nhưng nguồn cung lại đang rất thiếu.
Nhiều doanh nghiệp không mặn mà phát triển nhà ở phân khúc bình dân do nhiều vướng mắc (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Tại Hội thảo “Xanh hoá phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích” vừa diễn ra, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, trong thời gian qua, nhận biết được những diễn biến của thị trường, khá nhiều đơn vị phát triển bất động sản đã chủ động thay đổi hoặc điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng cách đầu tư sang loại hình căn hộ bình dân. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thị trường cũng như những người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, những vướng mắc, khó khăn cả về thể chế và năng lực, chiến lược của các chủ đầu tư, cũng như sự kiểm soát nguồn tài chính bất động sản… vẫn là những rào cản khiến phân khúc nhà ở này chưa đáp ứng được kỳ vọng. Riêng phân khúc nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân, đó là doanh nghiệp bất động sản không mấy mặn mà đầu tư vào loại hình nhà ở này, do lợi nhuận thấp và giá bán phải theo mức giá trần, khống chế ở mức không vượt quá 10%. Con số này quá thấp so với việc đầu tư vào các dự án thương mại.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, sự thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp luật gây nên tình trạng thiếu quỹ đất, chưa tạo được nguồn vốn mới hỗ trợ.
Hiện nay, bên cạnh việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh sang phân khúc nhà ở đại chúng, nhiều doanh nghiệp còn tính đến việc đầu tư, phát triển những công trình xanh với giá bình dân để đa dạng hoá sản phẩm, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Minh Sơn