Theo HoREA, qua thống kê cho thấy, phân khúc nhà ở cao cấp đang chiếm tỷ lệ rất cao với khoảng 8.502 căn (30%), trong khi phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 6.981 căn (24,7%), còn lại là phân khúc nhà ở trung cấp.
Điều này cho thấy thị trường bất động sản đang phát triển lệch pha rất lớn. Cần phải đưa thị trường phát triển đúng hướng với phân khúc nhà ở giá rẻ phải chiếm tỷ lệ cao nhất và phân khúc nhà ở cao cấp chiếm tỷ lệ thấp nhất.
HoREA kiến nghị bỏ quy định dừng cấp phép chung cư cao tầng ở trung tâm TP.HCM (Ảnh: Internet) |
Với thực trạng này, dự báo trong năm 2019, phân khúc nhà ở cao cấp sẽ thừa cung, đối diện với nhiều thách thức. Các dự án căn hộ cao cấp sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt để tồn tại.
Trong khi đó, các dự án căn hộ cao cấp tại khu vực trung tâm thành phố lại được hưởng lợi thế độc quyền vì thành phố đã quyết định không chấp thuận thêm dự án chung cư cao tầng từ nay đến năm 2020 theo kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020.
Vì vậy, HoREA kiến nghị TP.HCM không cấm hẳn việc cấp phép dự án chung cư cao tầng mới mà việc cấp phép sẽ dựa vào việc cần chọn lọc kỹ dự án của nhà đầu tư có năng lực, có giải pháp góp phần xử lý vấn đề kẹt xe, ngập nước, quá tải hạ tầng đô thị.
Trước đó, tại cuộc họp với các ban ngành và lãnh đạo doanh nghiệp về tình hình phát triển của thị trường bất động sản, ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cũng bày tỏ lo lắng, các căn hộ dự án chung cư ở khu vực trung tâm TP.HCM có thể tăng giá mạnh trong năm 2019 do quy định tạm dừng cấp phép dự án mới của lãnh đạo TP.HCM.
Được biết, trước đó trong kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM xác định tại khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, 3), từ nay đến năm 2020 không phát triển các dự án nhà ở mới.
Vũ Trọng