Theo HoREA, năm 2019 là năm thứ hai thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản Tp.HCM phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” và môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Giá nhà tăng cao, trong đó căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20%, có những dự án tăng 39% so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn, “giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời”.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018; trong đó bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, giảm 20% so với năm 2018.
Số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho thấy, năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.
Nhiều dự án tại Tp.HCM ngừng trệ do các cơ quan quản lý rà soát lại pháp lý (Ảnh: Internet) |
Tại Tp.HCM, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.
Tăng trưởng dư nợ tín dụng của nền kinh tế cả nước năm 2019 đạt 13,5%, nhưng dư nợ tín dụng bất động sản lại tăng trưởng khá thấp, chỉ đạt 8,8% do thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản, nên các doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Tại Tp.HCM, tổng dư nợ tín dụng khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cuối năm 2018.
Đánh giá về nguyên nhân sụt giảm, HoREA cho rằng, những khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do hệ thống pháp luật chưa thật sự đảm bảo; công tác thực thi pháp luật của các Bộ, ngành và các địa phương vẫn còn yếu; tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục....
Trước thực trạng ngày càng đi xuống của thị trường bất động sản, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt để sớm tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn” cụ thể của thị trường bất động sản, để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, trước hết là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị có nhà ở…
Bên cạnh đó, HoREA đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về đất đai, về đầu tư, về xây dựng, về nhà ở, về kinh doanh bất động sản, về dân sự để đảm bảo tính hệ thống, tính đồng bộ và tính liên thông. Trong đó, xem xét ban hành mới Luật Đất đai vào năm 2021…
Đối với các dự án nhà ở sử dụng quỹ đất công thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có).
HoREA đề nghị cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra, HoREA đề nghị Thủ tướng quan tâm giải quyết, để ổn định trạng thái tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám đề xuất giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp của một số cán bộ công chức thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản, do có xuất hiện yếu tố “rủi ro” trong thi hành công vụ.
Phạm Minh