Trong giai đoạn 2021-2030, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp vốn dĩ dự kiến khoảng 2,4 triệu căn. Song, theo thống kê mới nhất từ Bộ Xây dựng, qua 10 tháng năm 2023, cả nước chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được khởi công xây dựng mới. Nhờ đó cung ứng ra thị trường khoảng 19.800 căn hộ dành cho công nhân, người thu nhập thấp ở đô thị.
Trong khi đó, đối với việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ 4 ngân hàng thương mại nhà nước, tính đến hết tháng 10 đã có 20 tỉnh, thành phố phê duyệt danh mục 52 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, nhu cầu vay khoảng 25.800 tỉ đồng. Song, con số giải ngân từ gói tín dụng này đến nay rất thấp, chỉ đạt khoảng 83 tỉ đồng.
Trên thực tế, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng lấy nguồn từ các ngân hàng thương mại, đang triển khai cho vay chủ đầu tư nhà ở xã hội và người dân. Gói này lãi suất ưu đãi khoảng 7,7%/năm (với người mua, thuê mua nhà) và 8,2%/năm (với chủ đầu tư nhà ở xã hội).
HoREA đề xuất nghiên cứu lại gói 110.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. |
Theo HoREA, việc lãi suất của gói này thấp hơn 1,5-2% vay thương mại thông thường đã hỗ trợ một phần cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và chủ đầu tư nhưng “thực chất vẫn chưa phải là tín dụng ưu đãi” do vẫn hơn mức vay nhà ở xã hội trước đó. Hơn thế nữa, thời hạn ưu đãi cũng ngắn (5 năm) và lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần, gây bất an cho người vay.
Do đó, để đạt mục tiêu xây tối thiểu 1 triệu căn nhà xã hội giai đoạn 2021-2030, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng này tới Chính phủ và Quốc hội vào hồi tháng 2. Trong đó, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5% một năm áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa 25 năm (tương tự gói 30.000 tỷ trong giai đoạn 2013-2016).
Đồng thời, gói này sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi; còn lại là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ý tưởng ban đầu là, gói này sẽ lấy từ nguồn tái cấp vốn, cấp cho các ngân hàng thương mại cho vay. Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã ngừng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng để thực hiện gói 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng hơn một số đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho “người mua căn nhà đầu tiên”.
Trong khi nhu cầu cao, nguồn cung lại hạn chế thì chương trình xây dựng nhà ở xã hội là niềm hy vọng rất lớn để người dân có thu nhập thấp sở hữu nhà ở với giá thành rẻ. Do vậy, việc tái đề xuất khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cũng đặt niềm tin góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư, đồng thời người dân có nhu cầu dễ dàng tiếp cận hơn.
Bùi Ly