Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015 chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ, trong đó có các nhà trọ, phòng trọ, nhưng không cho phép DN được đầu tư loại hình nhà ở này.
Nhu cầu về nhà ở xã hội đang rất lớn, nhưng nhiều gia đình có thu nhập thấp cũng không có đủ tài chính đề mua, phải đi thuê nhà trọ chật chội và xa nơi làm việc (Ảnh minh họa: Int) |
“Việc chỉ cho phép cá nhân, hộ gia đình được làm, với năng lực tài chính hạn chế sẽ dẫn đến các khu nhà trọ, phòng trọ không đảm bảo chất lượng, nhanh xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy, trật tự xã hội trong các khu dân cư”, đại diện HoREA phân tích.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng tuy đã ban hành Thông tư 09/2021, không còn quy định diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10m2, diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2/người… Tuy nhiên, đến nay, Bộ chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế và ban hành quy định về điều kiện tối thiểu xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ, gây lúng túng cho các địa phương.
Do đó, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở 2014 theo hướng cho phép DN, HTX được đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê là phòng trọ, nhà trọ. Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế và ban hành quy định về điều kiện tối thiểu xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ, bao gồm phòng trọ, nhà trọ để các địa phương có căn cứ thực hiện.
Cũng liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, tại một hội thảo mới đây, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhấn mạnh, định mức lợi nhuận chỉ 10% của nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân hiện không đủ để giải bài toán tài chính cho doanh nghiệp. Không những vậy, việc duyệt giá bán nhà ở xã hội, các thủ tục pháp lý liên quan đến cấp sổ hồng, vấn đề bồi thường chi phí giải phóng mặt bằng còn chậm triển khai, tất cả ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút doanh nghiệp phát triển phân khúc này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối. Bởi trên thực tế, khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán, đều do nhà nước quyết định. Chính vì thế, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng...
Phương Linh