Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế trong việc quản lý, kiểm soát thị trường BĐS, nhất là tại các địa phương |
Trong báo cáo mới đây gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chỉ ra hàng loạt tồn tại hạn chế trong việc kiểm soát và quản lý bảo đảm thị trường bất động sản (BĐS), tái cơ cấu và đa dạng hóa các sản phẩm BĐS, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, về cơ cấu hàng hóa BĐS, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP. HCM đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Giá cả hàng hóa BĐS, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của BĐS, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Giới đầu cơ BĐS vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính, làm bất ổn thị trường.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, có nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình BĐS này tương đối lớn và đa dạng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến các loại hình BĐS mới (condotel, officetel...) chưa đầy đủ, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc kiểm soát thị trường BĐS của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Nhiều địa phương khi phát hiện vi phạm vẫn chưa kiên quyết xử lý, còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm quy định của pháp luật.
Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS, quản lý sử dụng đất đai, giao dịch BĐS mặc dù đã được chú trọng và tăng cường, tuy nhiên việc thực hiện vẫn chưa được thường xuyên, liên tục.
Hệ thống thông tin về thị trường BĐS hiện nay chưa hoàn toàn đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực BĐS.
Các quy định của pháp luật về đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở xã hội ngày càng mở rộng, trong khi nguồn lực về vốn còn rất hạn chế không đáp ứng được nhu cầu. Thu nhập của các hộ thu nhập thấp tuy đã được cải thiện, nâng cao từng bước nhưng còn thấp, rất khó khăn trong việc chi trả chi phí nhà ở, kể cả trường hợp đã được Nhà nước hỗ trợ một phần.
Đặc biệt, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành đôi khi còn chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời. Không ít địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội; Chưa tích cực xây dựng cơ chế ưu đãi thêm để phát triển nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền để thu hút các doanh nghiệp tham gia; chưa tích cực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương.
Phạm Minh