Các đối tượng được hưởng nguồn vốn vay được quy định rõ ràng, bao gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Theo quy định, trừ đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, các đối tượng còn lại để được vay vốn phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Về điều kiện vay vốn, người vay phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian tối thiểu 12 tháng. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn. Đồng thời phải có một số điều kiện như: Vốn tự có tối thiểu 20% giá trị Hợp đồng mua bán/Hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội đối với vay vốn; có tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn; đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, thu nhập; có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với NHCSXH; có giấy đề nghị vay vốn để mua/thuê mua nhà ở xã hội/xây dựng mới/cải tạo, sửa chữa nhà…
Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội, mức vốn cho vay tối đa bằng 80%. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70%. Thời hạn vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp người vay vốn có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì thỏa thuận với NHCSXH nơi cho vay về thời hạn cho vay thấp hơn.
Minh Trang