Theo báo cáo của NHNN, đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng chỉ mới giải ngân được chưa tới 1%, khoảng 1.144 tỷ đồng.
Việc giải ngân chậm là do thủ tục đầu tư kéo dài, có ít dự án triển khai, thứ hai là về điều kiện tiếp cận tín dụng quá nhiều rào cản nên bị nhiều doanh nghiệp phản ánh là rất khó tiếp cận. Lãi suất và thời gian hưởng lãi suất chưa thực sự thu hút người vay.
Trước đó, mặc dù NHNN đã 2 lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà, nhưng Bộ Xây dựng cũng nhận xét mức lãi suất này còn cao, thời hạn ưu đãi lại ngắn, trong vòng 3-5 năm nên "chưa thực sự thu hút người vay".
Sau hơn 1 năm triển khai, gói cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng chỉ mới giải ngân được chưa tới 1%. |
Đại diện Công ty CP Đức Mạnh cho biết, thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc dẫn đến người dân không mua được nhà nên cũng không vay tiền. Bên cạnh đó, hiện mức lãi suất cho vay bình thường là 8 - 9%, còn lãi suất của gói 120.000 tỷ đồng là 7,5- 8% là chưa hấp dẫn.
Tương tự, theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) Nguyễn Tuấn Anh, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số lượng dự án nhà ở xã hội rất ít, quá trình thực hiện lại quá dài nên để giải ngân nhanh nguồn vốn này, đề nghị các địa phương giao đất sạch cho dự án. Đối với các ngân hàng thương mại, thủ tục vay vốn rất lâu vì phải trải qua quá trình thẩm định hiệu quả của dự án. Do đó, ông Tuấn Anh đề xuất nên bỏ qua quá trình này.
Trong khi đó, đối tượng được mua nhà rất hạn hẹp. Theo Phó Tổng Giám đốc Viglacera Trần Ngọc Anh, thực tế, doanh nghiệp này đã đầu tư hoàn thành 8.000 căn hộ. Trong đó, mới đưa 5.000 căn vào sử dụng, còn tồn kho 3.000 căn.
“Trong 3.000 căn tồn kho, đa phần là dự án nhà ở công nhân xung quanh các khu công nghiệp. Dù giá thành hợp lý nhưng hiện nay vướng một số quy định công nhân trong khu công nghiệp khó tiếp cận” - ông Ngọc Anh cho hay.
Từ đó, các doanh nghiệp kiến nghị cần có cơ chế với nhà ở công nhân, nên cho 10 đối tượng như nhà ở xã hội được mua để khuyến khích doanh nghiệp, tránh việc xây nhà ở công nhân nhưng không có người ở.
Góp ý thêm về câu chuyện này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu kiến nghị, ngoài giảm lãi suất, gói hỗ trợ nên xem xét mở rộng thêm 2 đối tượng được vay gói tín dụng này là người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống và chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng phản ánh có một số doanh nghiệp vướng nợ xấu. Chính nợ xấu đã ảnh hưởng đến việc giải ngân. Trong khi đó, một trong những tiêu chí với người mua nhà ở xã hội là có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng. Ở mức thu nhập này không thể vay 1 tỷ đồng để mua nhà vì thu nhập đó chỉ đủ để trả lãi ngân hàng.
Trước những thực tế trên, để 'gỡ vướng', gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết hiện nay có thêm 4 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5000 tỷ đồng.
Thông tin với báo chí mới đây, Thứ trưởng Xây dựng, ông Bùi Xuân Dũng cho hay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank), VPBank, MBBank và TechcomBank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng, nâng tổng số có 8 ngân hàng thương mại tham gia, với 140.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Bùi Xuân Dũng. |
Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản thống nhất, đề nghị các doanh nghiệp chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với UBND các tỉnh, TP để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp, đến nay mới có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Đến nay, các ngân hàng đã giải ngân với số tiền là 1.344 tỷ đồng bao gồm: 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.
Ông Dũng cũng thông tin Chính phủ đã quyết nghị triển khai chương trình tín dụng khoảng 120 nghìn tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước đề xuất điều chỉnh nội dung chương trình gói 120 nghìn tỷ đồng theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3 - 5% (với khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%).
Đề xuất này của Ngân hàng Nhà nước, theo ông Dũng, Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất.
“Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng đã có ý kiến đồng thuận với nội dung đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện, trình phê duyệt nghị quyết điều chỉnh nội dung chương trình gói 120 nghìn tỷ”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.
Hồng Hương