Đánh giá của Savills Việt Nam, tại Hà Nội, không có dự án trung tâm thương mại nào ra hàng trong quý I/2020, nguồn cung tiếp tục ở mức khoảng 1,6 triệu m2. Giá thuê trung bình ở tầng trệt giảm -2% theo quý và -4% năm, công suất thuê giảm -1 điểm phần trăm theo quý và ổn định theo năm. Các dự án ngoài trung tâm chứng kiến suy giảm mạnh hơn về cả giá thuê lẫn công suất thuê.
Do dịch Covid-19 nên các nhà bán lẻ và trung tâm bán lẻ đã đóng cửa tạm thời các nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí và trung tâm thể thao... Theo kết quả khảo sát khách thuê của Savills gần đây, 55% số cửa hàng có doanh thu giảm trên 50% so với quý trước. Hầu hết các ngành hàng đều đã bị ảnh hưởng tiêu cực; chỉ riêng siêu thị ghi nhận tăng trưởng lên đến 20%. Trong ngắn hạn, diện tích trống của các trung tâm sẽ tiếp tục tăng đáng kể.
Do tâm lý khách hàng thay đổi cùng với việc nguồn cung sẽ mở rộng, trong trung và dài hạn giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại sẽ giảm (Ảnh: Internet) |
Trước khó khăn của thị trường, các chủ nhà đã cân nhắc điều chỉnh ngắn hạn về chính sách thuê nhằm hỗ trợ những khách thuê đang gặp khó khăn. Cũng theo khảo sát khách thuê của Savills, 57% lượng người tham gia mong muốn chủ nhà giảm 40-50% giá thuê và 31% yêu cầu miễn giá thuê. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà có sự miễn cưỡng đối với việc giảm giá thuê quá nhiều, phần lớn sẽ chỉ hạ lên đến 30%.
Trong số mặt bằng bị ảnh hưởng bởi dịch, bán lẻ mặt phố chứng kiến sự đóng cửa trên diện rộng hơn do các doanh nghiệp nhỏ nhạy cảm hơn với biến động kinh tế. Các thương hiệu bán lẻ lớn nhỏ trên phố với doanh thu giảm khoảng 50%, do giá thuê có thể chiếm lên đến 50% tổng chi phí hoạt động.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu-Tư vấn, Savills Hà Nội, cho biết, Covid-19 đang thúc đẩy thương mại điện tử và tấn công bán lẻ truyền thống. Khảo sát của Savills chỉ ra 28% các nhà bán lẻ đang kết hợp cả hai kênh trực tiếp - trực tuyến và 28% chỉ hoạt động trực tuyến. Doanh thu từ thương mại điện tử của nhiều cửa hàng có thể tăng lên đến 30%. Thương mại điện tử được nâng cao nhờ 68% dân số sử dụng internet, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 75% trong năm nay. Trong đó, doanh nghiệp ngành ẩm thực tham gia các ứng dụng giao hàng tăng mạnh.
Đánh giá về triển vọng thị trường, theo bà Đỗ Thu Hằng, đến năm 2021, 19 dự án với khoảng 195.000 m2 sẽ gia nhập. Hơn nữa, do dịch Covid-19, trong trung hạn và dài hạn, thương mại điện tử và giao hàng tận nhà dự kiến sẽ phát triển mạnh. Như vậy, với hai yếu tố này, giá thuê bình quân thị trường trung tâm thương mại dự kiến sẽ giảm.
Khảo sát của Savills cho thấy 61% khách thuê đánh giá khá tích cực về khả năng phục hồi nếu đại dịch kết thúc trong quý II/2020. Nếu dịch tiếp diễn, 86% khẳng định thời gian phục hồi ít nhất sẽ là 6 tháng. Các ngành hàng ẩm thực, khu vui chơi giải trí, trung tâm giáo dục và thể thao được dự đoán sẽ phục hồi đầu tiên.
Hải Sơn