Chuyên gia cho rằng mặc dù giá nhà ở Việt Nam tăng mạnh trong 10-20 năm qua nhưng vẫn rẻ hơn so với các quốc gia khác. |
Theo số liệu của kênh thông tin Batdongsan.com.vn, số lượng hộ gia đình của Việt Nam 10 năm qua tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2009 chỉ có 22,6 triệu hộ gia đình, đến năm 2019, số hộ gia đình đã tăng lên 26,7 triệu hộ. Trong khi hộ gia đình tăng 18% thì diện tích nhà ở riêng lẻ tăng từ 1,5 tỷ m2 lên mức 2,1 tỷ m2 (tăng 41%). Diện tích sàn chung cư tăng từ 17 triệu m2 lên mức 41 triệu m2 (tăng 142%).
Về giá nhà, trong 10 năm qua, thị trường bất động sản chia thành nhiều đợt biến động lên xuống. Giai đoạn 2008 - 2010 giá nhà đất đi ngang. Bước sang 2011-2013, giá bất động sản xuống dốc không phanh, nhiều nhất là gần 50%, đến thời điểm 2014-2019 quay lại xu hướng tăng mạnh từ 50-300%. Tính đến hiện tại, giá nhà đất ở nơi tăng thấp nhất trung bình cũng gấp 3 lần so với năm 2011.
Còn giá nhà tại trung tâm TP. HCM tăng 21 lần chỉ sau 16 năm. Giai đoạn 2018 -2020, giá bất động sản khu vực quanh TP .HCM và Hà Nội luôn có mức tăng trên 10%.
Nếu so với mức thu nhập bình quân của người dân, giá nhà tại Hà Nội và TP. HCM đang quá cao. Với mức giá 2.200-2.400 USD/m2, người lao động TP. HCM phải mất khoảng 30 năm và Hà Nội là 25-28 năm tích lũy mới mua được nhà.
Mặc dù vậy, giá nhà ở Việt Nam dù tăng mạnh 10-20 năm qua nhưng so với các quốc gia khác mức giá này vẫn chưa thể bằng. Đơn cử như giá nhà ở Hồng Kông 29.000 USD/m2, giá nhà Singapore 17.000 USD/m2…
Các dự báo về thị trường năm 2021 cho thấy, giá rao bán nhà riêng tại Hà Nội sẽ tăng trưởng trong năm 2021, đạt khoảng 5%. Giá chung cư Hà Nội tiếp tục đi ngang và ổn định. Giá chung cư TP. HCM được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021, mức tăng đạt khoảng 9% trong năm 2021.
Minh Trang