Phát triển kinh tế ban đêm là một trong những giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển. |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong những năm gần đây phát triển rất mạnh mẽ, là một trong những điểm sáng giúp thị trường bất động sản hồi phục. Bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là nhiều dự án tầm cỡ khu vực và thế giới, đạt tiêu chuẩn cao cấp đã được xây dựng tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các địa phương ven biển như Đà Nẵng, Phú Quốc và gần đây nhất là Vân Đồn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. Việt Nam đang có thế mạnh lớn nhất trong khai thác du lịch. Đặc biệt, thời gian gần đây, Việt Nam nổi lên trở thành điểm đến không chỉ hấp dẫn, mà còn an toàn nhất thế giới. Hiện tại, Việt Nam cũng đã có những khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Trong bức tranh sáng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, các khu kinh tế trọng điểm như Vân Đồn, Phú Quốc đang được kỳ vọng trở thành đầu tàu bứt phá.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc chắc chắn sẽ có nhiều tiềm năng phát triển và tăng giá.
Ông Nghĩa chỉ ra 4 lý do khiến bất động sản nghỉ dưỡng Vân Đồn phát triển mạnh mẽ: Thứ nhất, sự phát triển nhanh và bền vững của Quảng Ninh thời gian qua đã tạo thành “một chiếc bánh” lớn, khi “chiếc bánh” lớn thì tốt cho tất cả các khu vực và nhà đầu tư. Thứ hai, Vân Đồn đang trỗi dậy, là nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược. Thứ ba, Vân Đồn chính thức được quy hoạch dài hạn thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino... sẽ tạo động lực cho sự phát triển của khu kinh tế nói riêng và bất động sản nghỉ dưỡng nói chung. Thứ tư, Vân Đồn hội tụ nhiều đặc điểm mang tính cơ sở nền tảng để phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia đã cho rằng, một trong những giải pháp để thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng là phát triển mô hình kinh tế ban đêm tại các khu kinh tế trọng điểm.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, phát triển mô hình kinh tế ban đêm sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và các loại hình giải trí, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Thịnh dẫn chứng nhiều quốc gia thành công trong phát triển kinh tế ban đêm như Anh quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
“Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bước đi chiến lược để “thắp sáng” nền kinh tế ban đêm, mang lại nhiều tỷ đô la”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo ông Thịnh, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để tạo ra hệ sinh thái phong phú về các sản phẩm kinh tế ban đêm, có thể chiếm đến 70% doanh thu của ngành du lịch, giúp tăng trưởng GDP, phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho người dân.
“Trong kịch bản hồi phục hậu dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam cần tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội cho du khách “được tiêu tiền” thông qua những trải nghiệm mới giúp tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu mỗi ngày của khách du lịch”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực khẳng định, phát triển kinh tế ban đêm trở thành ngành công nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, đối với khu kinh tế đặc biệt, việc phát triển kinh tế ban đêm là điều tất yếu và quan trọng. Bởi các khu kinh tế ban đêm sẽ là nơi nhu cầu lớn về hình thức này khi tập trung nhiều công ty, người lao động trong và ngoài nước, có nhu cầu về dịch vụ giải trí, văn hóa và đây là nơi có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội và thu hút du lịch lớn...
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thời gian tới, ngành du lịch trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục có sự tái cơ cấu, chuyển biến và thay đổi rất nhanh, với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới.
Ông Nam đặt ra vấn đề: nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như không còn phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung và dài hạn. Một dự án cần tạo dựng hệ sinh thái tiện ích - dịch vụ đa dạng (All-in- one) mới có thể trở thành điểm đến hấp dẫn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, với chủ trương đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2025 thu hút ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu khách trong nước, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 80 tỷ USD với mức tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm, chắc chắn bất động sản du lịch sẽ còn nhiều dư địa để phát triển.
Phạm Minh