Mục đích của bán đấu giá đất là lấy kinh phí nâng cấp hạ tầng, phục vụ cho chính địa phương. Hạ tầng "bắt mắt", cộng thêm tham vọng "gom - găm hàng - bán sỉ" giữa thời BĐS hồi phục, nhiều nhà đầu tư đang trở lại sân chơi đấu giá.
Bám kịp thời cuộc, quay cuồng làm giá
Đề tài mua bán đất đấu giá vốn không xa lạ với giới đầu tư BĐS hiện hữu. Nhưng chỉ những "trùm" đầu cơ phất lên trong giai đoạn 2009-2012 mới nắm được ngọn ngành của cách thức kinh doanh "ăn theo" chính sách này.
Đỉnh điểm của thời "hốt bạc" nhờ đất, là năm 2010. Khi đó, Hà Đông và một phần địa bàn của huyện Từ Liêm (cũ) luôn tập trung số đông dân lướt sóng nhanh - tài chính tiền tỷ trở lên mỗi khi nhà quản lý sở tại tổ chức đấu giá đất công khai.
Còn nhớ 5 năm trước, thời điểm quận Hà Đông mới chỉ chứng kiến số lượng khiêm tốn các dự án chung cư cao tầng, tổ hợp hiện đại tìm tới (như KĐT Văn Quán, Xa La, Ngô Thì Nhậm, Văn Phú…). Tuy nhiên, giá trị đất sở tại qua từng phiên đấu giá luôn cao quá mức tưởng tượng của chính cán bộ trực tiếp tổ chức.
Khu đất Ngô Thì Nhậm ghi nhận mức ngót 70 triệu đồng/m2 đất đấu giá (quý I/2010). Cũng như vậy, ở nhiều địa bàn khác như Thạch Bàn, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Phú Cát… đều chứng kiến giá thắng thầu khu đất luôn vượt xa giá khởi điểm và "ăn đứt" giá tiền mà người dân bản địa đấu giá.
Âm thầm chờ đợi từ lúc quy hoạch đô thị được phê duyệt, hạ tầng triển khai hoàn thiện tới khi lãnh đạo sở tại "phát lệnh" đấu giá quyền sử dụng đất và tái định cư, chỉ là bước khởi động của kế hoạch "buôn tận gốc, bán tận ngọn" của giới đầu tư mạnh tài chính.
![]() |
Nhiều nhóm đầu cơ sẽ "đấu" nảy lửa trong để thắng thầu đấu giá đất.
Theo ông Trần Hải, nhà đầu tư đất ở quận Hà Đông, dân kinh doanh đất đấu giá luôn tổ chức bài bản từ nhân lực tới thời điểm bung hàng (sau khi trúng thầu) chứ không có chuyện… ăn may.
Từng "nhẵn mặt" trong nhiều cuộc đấu giá đất ở Gia Lâm, Long Biên hay Hà Đông, ông Hải nói có tính tổng kết: Lực lượng "quân xanh, quân đỏ" của giới đầu tư luôn cài cắm trong mỗi phiên đấu giá. Họ sẵn sàng bỏ giá thầu cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 giá khởi điểm nên hiếm khi miếng đất, khu đất sạch lại rơi vào tay người đấu giá thuần túy.
Sau khi được giao quyền sử dụng, cá nhân/đơn vị trúng thầu sẽ tùy theo thời điểm thị trường (cụ thể là giá trị đất đai khu vực lẫn độ bão hòa của sản phẩm nhà ở) để xé nhỏ bán dần. Thậm chí, nếu nguồn tài chính chủ động, chủ sử dụng khu đất đó sẵn sàng đóng tiền cho chủ đầu tư (quận, huyện) để đảm bảo kết quả trúng thầu và tiếp tục "ngâm chưa bán" khi thanh khoản kém. Nhiều người giàu lên nhờ biết cách tiếp cận, làm giá đất "hậu trúng thầu", nhưng không ít kẻ cũng khánh kiệt vì hầu bao tỷ lệ nghịch với tham vọng.
Nhớ lại bài học cay đắng mang tên đất đấu giá Gia Lâm, nhà đầu tư BĐS tên Đức nay đã trở thành PGĐ một công ty Bảo hiểm chia sẻ: Thị trường vận động rất khó ngờ. Với đất đấu giá, nếu ít tiền và tham vọng lớn thì phải chọn chính xác điểm rơi để "đánh" và "bung hàng" cấp tập. Ham lợi khủng, tài chính đi vay mượn và thiếu nhạy cảm thị trường thì chắc chắn thảm hại.
Lại sắp đấu giá đất
Hà Nội đang dậm dịch nhiều kế hoạch đấu giá đất với đường hướng chỉ đạo của cơ quan chức năng. Ngày 9/3, UBND Tp.Hà Nội ban hành Quyết định 1066/QĐ-UBND, cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án GPMB tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất ký hiệu ĐM1, phường Đại Mỗ (q.Nam Từ Liêm).
Theo quyết định, quy mô GPMB tại quỹ đất sạch khoảng 7,1ha; thời gian thực hiện từ năm 2015. Hà Nội cũng ra quyết định cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án GPMB tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất và tái định cư tại khu đất 1,25ha thuộc phường Mễ Trì và phường Trung Văn (Nam Từ Liêm). Tổng mức đầu tư cả hai khu đất dự kiến trên 157.536 tỷ đồng.
Ngày 14/3, Trung tâm phát triển Quỹ đất quận Hà Đông tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 24 thửa đất còn lại tại các khu tái định cư thuộc phường Quang Trung, La Khê, Phú La.
Các thửa đất có diện tích từ 30m2 đến hơn 90m2 với mức giá sàn từ 36,7 triệu đồng/m2 đến 43,4 triệu đồng/m2 (tùy vị trí). Giá khởi điểm mà Ban tổ chức đưa ra cao nhất 43,4 triệu đồng/m2; thấp nhất 36,7 triệu đồng/m2. Kết quả: trúng giá cao nhất 107,2 triệu đồng/m2; thấp nhất 37,1 triệu đồng/m2.
Ngay thời điểm hiện tại, chợ giao dịch trực tuyến đã tràn ngập nhiều lời chào mời về các lô đất, ô đất phân lô trên địa bàn dự kiến đấu giá đất. Điển hình, một lô đất phân lô, hai mặt thoáng gần 90m2 ở gần Đình Thôn (gần bến xe Mỹ Đình) có đơn giá 90 triệu đồng/m2 (tăng 30% so thời điểm tháng 1/2013) được xem là "mềm" trong giới buôn bán thứ cấp.
Đông Hưng