Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thiết kế 2 phương án: Phương án 1 giữ nguyên quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 về thời điểm cấp Giấy chứng nhận đến trước ngày 1/7/2014. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất. Phương án 2 đề nghị chỉnh sửa về thời điểm cấp Giấy chứng nhận đến thời điểm nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận.
Mở rộng cơ hội cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ. |
Theo Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và đồng tình xin ý kiến Quốc hội về nội dung này
Rõ ràng, đây là một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Quy định này hướng đến giải quyết các trường hợp đang sử dụng đất do ông/cha để lại nhưng không có giấy tờ và không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền.
Về vấn đề này, dựa theo quy định 101 Luật Đất đai 2013, để được cấp sổ đỏ nếu đất không có giấy tờ thì một trong những căn cứ quan trọng là phải sử dụng đất ổn định. Song, dự thảo Luật Đất đai mới đã không còn yêu cầu này. Như vậy, việc chính thức xin ý kiến thực thi quy định này cũng đồng thời giúp giảm thiểu khó khăn, mở rộng cơ hội cho những cá nhân và hộ gia đình không có giấy tờ quyền sử dụng đất, giúp họ có cơ hội công nhận quyền sử dụng đất mà không cần phải thỏa mãn điều kiện thời gian dài như trước đây.
Ngoài ra, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều, sửa đổi 229 điều. Trên tinh thần đảm bảo chất lượng dự án cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Quốc hội dự kiến thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp lần này.
Bùi Ly