Theo quyết định, Tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp); việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm kịp thời thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc triển khai thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ dù đã có chủ trương, song kéo dài trong nhiều năm, tiến độ cải tạo chung cư cũ chậm, số lượng chung cư cũ được cải tạo chỉ đạt được hơn 1% yêu cầu đề ra. |
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay tại các đô thị trên cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994 tương đương khoảng hơn 3 triệu m2 sàn với hơn 100 nghìn hộ dân đang sinh sống.
Trong đó, Hà Nội có khối lượng nhà lớn nhất với 1.579 chung cư cũ và đến nay đang tiếp tục rà soát, thống kê cập nhật, dự kiến tổng số khoảng 1.880 nhà chung cư cũ.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội có Kế hoạch 335 về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đợt 1. Theo đó, thành phố sẽ triển khai cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư, dự án nhà chung cư có nhà nguy hiểm cấp D. Cụ thể tại quận Ba Đình có Khu tập thể Giảng Võ (Nhà C8 ở cấp D); Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A ở cấp D); Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A ở cấp D); Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi ở cấp D). Quận Đống Đa có Nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có 6 chung cư trên có tổng diện tích 244.000m2 với quy mô gần 3.000 căn hộ. Cụ thể, chung cư 128 Hai Bà Trưng (200 căn), chung cư 23 Lý Tự Trọng (160 căn), chung cư số 251 (176 căn), chung cư số 350 (374 căn), lô 4 – 6 chung cư Thanh Đa (1.750 căn) và chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám (268 căn).
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình yêu cầu Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ xây mới 14 chung cư cũ cấp D (nguy hiểm) trong năm nay. Những dự án này tập trung chủ yếu tại các quận trung tâm gồm 1,3,4,5,6,10 và Tân Bình.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố hiện có 474 chung cư xây trước năm 1975 bị xuống cấp, hư hỏng cần phải sửa chữa, xây mới. Tuy nhiên, thời gian qua tiến độ xây mới chung cư cũ chậm do gặp nhiều khó khăn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, vướng mắc thủ tục đầu tư….
Việc triển khai thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ dù đã có chủ trương, song kéo dài trong nhiều năm, tiến độ cải tạo chung cư cũ chậm, số lượng chung cư cũ được cải tạo chỉ đạt được hơn 1% yêu cầu đề ra. Khó khăn lớn nhất làm chậm tiến độ cải tạo chung cư cũ thời gian qua là cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm cho chủ sở hữu, chủ sử dụng nhà chung cư, cơ bản được giải quyết cụ thể.
Năm ngoái, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP (Nghị định 69) ngày 15/7/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2021 để thay thế Nghị định 101. Đây cũng được kỳ vọng là bước đột phá về chính sách trong thực hiện các dự án cải tạo nhà chung cư cũ ở các địa phương trên cả nước.
Trà My