Đây là con số được Cục Thuế TP.HCM công bố tại hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 vừa diễn ra. Nguyên nhân gây ra tăng nợ thuế liên quan đến tiền nợ thuế của 2 doanh nghiệp đang khiếu nại tiền thuê đất, tiền sử dụng đất khu đất Thủ Thiêm 8.774 tỉ đồng. Cụ thể, công ty Thế kỷ 21 nợ 6.098 tỷ đồng, công ty Thuận Việt nợ 2.676 tỷ đồng.
Bên cạnh đó còn có loạt “đại gia” có số nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong đó có các tên tuổi như: công ty Golden Hill (quận 1) nợ 645 tỉ đồng, Thảo Cầm viên Sài Gòn (quận 1) nợ 287 tỉ đồng, khách sạn Tân Hoàng Minh (quận 1) nợ 160 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà (TP.Thủ Đức) nợ 442 tỷ đồng, công ty Quốc Lộc Phát (TP.Thủ Đức) nợ 147 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (TP.Thủ Đức) nợ 106 tỷ đồng…
Nhiều doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM đang nợ thuế đầm đìa. |
Tính đến cuối tháng 11/2022, cơ quan thuế đã ban hành 89.900 quyết định cưỡng chế thu nợ thuế, tương ứng 181.376 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 41% về số quyết định cưỡng chế thuế và tăng 149% về tiền thuế nợ.
Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thuế cũng như xử lý, thu hồi 26.075 tỷ đồng, bằng 130% so với cùng kỳ.
Trong đó thu nợ từ năm 2021 chuyển sang 7.718 tỷ đồng, đạt 172% so với cùng kỳ; thu nợ mới phát sinh trong năm 2022 là 18.357 tỷ đồng, đạt 118% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, số thu ngân sách trên địa bàn thành phố ước thực hiện 319.500 tỷ đồng, đạt 118,3% dự toán pháp lệnh năm 2022, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa (trừ dầu thô, xổ số, tiền sử dụng đất) ước thực hiện 270.650 tỷ đồng.
Về nguyên nhân khiến tổng số nợ thuế tăng lên, Tổng cục Thuế cho rằng một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP, nên vẫn trong nhóm theo dõi nợ thuế.
Cùng với đó, các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của một số dự án do có vướng mắc chưa đi vào hoạt động, khai thác, nên người nộp thuế chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật cơ quan thuế tính nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế cơ quan thuế các cấp đã thực hiện biện pháp đôn đốc thu, nhưng người nộp thuế vẫn còn khó khăn về dòng tiền, chưa nộp được tiền thuế đã được gia hạn vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, còn có một số người nộp thuế lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh không hợp tác với cơ quan thuế trong công tác thu nợ thuế, nên để nợ thuế dây dưa, kéo dài.
Theo Tổng cục Thuế, các biện pháp cưỡng chế tiếp theo như kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu tài sản của đối tượng bị cưỡng chế gặp khó khăn, không thực hiện được vì người nộp thuế không còn tài sản, hay tài sản đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng.
Thanh Tú