Các chuyên gia nhận định tiềm năng BĐS nghỉ dưỡng vẫn còn rất lớn (Ảnh: TL) |
Mới đây, bàn về tiềm năng bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho hay, BĐS du lịch là phân khúc phát triển mạnh trong thời gian vừa qua. Du lịch đã được Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.
Nhận định về thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng thời gian tới, ông Hà nhìn nhận, mặc dù khó khăn kép cả về dịch bệnh và pháp lý, nhưng phân khúc này vẫn còn tiềm năng phát triển.
Chính phủ và các Bộ ngành đang hoàn thiện pháp lý cho mô hình condotel. Nhìn nhận khách quan, bản thân mô hình này khá tốt, huy động được vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ để có thể xây dựng các khu đô thị nghỉ dưỡng lớn để thu hút khách. Nếu không có nguồn vốn này khó phát triển các đại đô thị. Các chủ đầu tư cần điều chỉnh phương thức condotel để phù hợp với nguồn vốn, đáp ứng của nhà đầu tư mà không vi phạm pháp luật.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng nhận định, BĐS du lịch nghỉ dưỡng sau một thời gian phát triển nóng và mang tính tự phát cao thì hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh, nhất là trong và sau dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cũng là nguyên nhân khiến phân khúc này trầm lắng thời gian qua.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, về lâu dài, đây vẫn là phân khúc tiềm năng, vì 3 lý do:
Một là, các bộ ngành và chính quyền địa phương đang thay đổi, điều tiết để cung cầu hợp lý hơn, có tính quy hoạch cao hơn.
Hai là, ngành du lịch Việt Nam đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện đóng góp khoảng 9,2% GDP và có thể lên đến 12 - 14% GDP vào 2025 như chiến lược phát triển du lịch mà Thủ tướng đã ban hành hồi đầu năm.
Ba là, trong và sau dịch bệnh, xu hướng second-home ngày càng trở nên phổ biến hơn. Như vậy, đầu tư kênh này đòi hỏi trường vốn và mức độ kiên trì.
Minh Sơn