Hiện có 8 xu thế phát triển mới của thị trường bất động sản (Ảnh: Int) |
Thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm hình thành từ năm 1986 và là thị trường phát triển muộn nhất trong các phân mảng thị trường trong nền kinh tế.
Theo TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện có 8 xu thế phát triển mới trong dòng chảy của thị trường bất động sản.
Thứ nhất, xu hướng các đại đô thị: Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long; Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Thủ Dầu Một - Long An; Đà Nẵng - Hội An - Điện Bàn; Nha Trang - Cam Ranh.
Thứ hai, các khu đô thị mới - thông minh - thiết kế tổng thể như Thành phố Thủ Đức, Ecopark, Thành phố thông minh Bắc sông Hồng…
Thứ ba, các đại resort như Phú Quốc, Vân Đồn, Hồ Tràm, Hạ Long, Sầm Sơn, Nhơn Hội.
Thứ tư, các khu liên hợp khu công nghiệp - đô thị: Tràng Duệ (LG), Bắc Ninh (Samsung), Thái Nguyên (Samsung) và tiếp đến là các địa bàn của đối tác Apple…
Thứ năm, các khu đổi mới sáng tạo - công nghệ cao như Quang Trung, Láng Hòa Lạc, Đà Nẵng.
Thứ sáu, các khu đô thị biệt thự cao cấp. Việc hình thành các khu đô thị siêu sang đang ngày càng được khẳng định.
Thứ bảy, các tòa nhà - căn hộ siêu sang, tạo ra quan niệm khác về chất lượng sống.
Thứ tám, các khu phố cổ - phố cũ được mua gom, chuyển đổi công năng, hình thành nên các tòa nhà liên hợp. Các chuỗi khách sạn hạng sang được xây dựng tại các khu phố cổ đang thay thế các căn nhà phố và tiếp tục được phát triển
TS. Trần Kim Chung cho rằng, nguyên nhân và động lực thúc đẩy của xu hướng mới đối với thị trường bất động sản là do tầng lớp trung lưu phát triển mạnh dẫn đến nhu cầu dịch chuyển dần.
Bên cạnh đó là quy luật tái cơ cấu thị trường, chủ thể và sản phẩm. Một mặt, các sản phẩm giá thấp và nhà ở xã hội được tăng cường. Mặt khác, nhu cầu bất động sản cao cấp và siêu sang cũng được định hình.
Hơn nữa, xuất phát từ nhu cầu phát sinh, phát triển. Cùng với việc gia tăng của nhóm người trung lưu và việc cơ cấu sản phẩm bất động sản dịch chuyển ra ven đô, đó là nhu cầu bất động sản siêu sang hình thành.
Nền kinh tế hội nhập, độ mở cao, nguồn lực đầu tư nước ngoài vào kéo theo quá trình đô thị hóa, Việt Nam là điểm đến thay thế Trung Quốc, các đối tượng cao cấp dịch chuyển đến.
Cùng với đó là công nghiệp hóa phát triển, một lực lượng lao động lớn đang ngày một tập trung vào các đô thị, kéo theo đó là quá trình đô thị hóa, lối sống đô thị bắt đầu hình thành ở một tầm mức mới.
Đồng thời, nguồn vốn vận hành vào nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn tính trên một chủ đầu tư, dẫn đến quy mô dự án và quy mô công trình lớn, kéo theo quy mô bất động sản gia tăng.
Điều cuối cùng, Trần Kim Chung nhấn mạnh, đó là các công trình hạ tầng lớn ra đời, kéo theo những thay đổi lớn về tiếp cận thị trường, quy mô thị trường và giá trị bất động sản. Đặc biệt, xu hướng tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm gắn liền với sự gia tăng giá trị của bất động sản dưới tác động của phát triển cơ sở hạ tầng. Đơn cử như một loạt các công trình hạ tầng lớn được đưa vào hoạt động như sân bay Long Thành, cảng Tân Vũ Lạch Huyện, sân bay Vân Đồn, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long…
Hải Sơn