Bên cạnh Luật Đất đai (sửa đổi), Luật kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) thì Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng có nhiều tác động mật thiết đến lĩnh vực địa ốc nói riêng và đời sống xã hội nói chung nên nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận trong năm 2023.
Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức mới đây, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia Pháp lý Bất động sản đã chỉ ra một số quy định mới không có trong Luật Nhà ở 2014. Đáng chú ý, điều này có thể dẫn tới thực trạng hình thành thêm 2 loại giấy phép con trong hoạt động đầu tư xây dựng chung cư.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được cơ quan soạn thảo tích cực ghi nhận ý kiến đóng góp nhằm sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. |
Cụ thể, tại khoản 4 điều 39 của dự thảo quy định trường hợp bàn giao chung cư thì tùy vào cấp công trình mà chủ đầu tư phải có thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở cấp trung ương hoặc cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ.
Theo ông Đỉnh, quy định này sẽ làm phát sinh thêm một thủ tục hành chính hoàn mới và không có trong Luật Nhà ở năm 2014 là “thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở chung cư” của cơ quan quản lý nhà ở.
Như vậy, để hoàn thành thủ tục nghiệm thu và đủ điều kiện bàn giao căn hộ cho khách hàng, chủ đầu tư phải có 2 loại giấy phép là văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu và thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở.
“Quy định này khiến thủ tục bị nhân đôi, gây khó khăn cho sự phát triển của thị trường bất động sản và hạn chế sự phát triển của nền kinh tế. Cả 2 giấy phép đều do cùng một cơ quan ban hành là Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng nhưng theo 2 thủ tục hành chính khác nhau, được quy định bởi 2 luật khác nhau là Luật Xây dựng và Luật Nhà ở”, ông Đỉnh nêu lên những bất cập.
Bên cạnh đó, tại điều 37 của dự thảo cũng có thể làm phát sinh thêm một “giấy phép con” nữa khi quy định trong trường hợp có nhiều doanh nghiệp tham gia thực hiện một dự án nhà ở thì các doanh nghiệp này phải thỏa thuận ủy quyền cho một doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định để được công nhận làm chủ đầu tư dự án.
Ths. Nguyễn Văn Đỉnh lo ngại điều này sẽ làm phát sinh thêm thủ tục “công nhận làm chủ đầu tư”. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đề xuất thêm một số thủ tục hành chính hoàn toàn mới nên cần có báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Ngoài ra, còn phải có báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính khi cơ quan soạn thảo đặt ra thủ tục hành chính mới.
Theo Luật sư Lê Văn Hồi - Giám đốc Công ty Luật My Way, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn như hiện nay, việc nhân đôi thủ tục của dự án tại cùng một cơ quan quản lý nhà nước là không phù hợp với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính và không tạo điều kiện làm ăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Một quy định không thật sự cần thiết nếu được thông qua sẽ gây khó khăn cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng. Bởi lẽ thêm thủ tục là thêm thời gian và thêm chi phí. Người mua nhà sẽ phải nhận nhà lâu hơn, trong khi chi phí bị đội lên cũng sẽ tính trực tiếp vào giá bán căn hộ chung cư. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và cơ quan lập pháp sẽ lắng nghe ý kiến của người dân”, ông Hồi bổ sung.
Hà Trang