Theo số liệu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, trao đổi kinh tế thương mại giữa 2 nước Việt Nam và Đức năm 2013 là 7,7 tỷ USD (tăng 18% so với năm 2012). Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đức vào thị trường Việt Nam là 1 tỷ USD và trên 300 DN Đức hoạt động tại Việt Nam.
Xuất khẩu là của doanh nghiệp FDI
Nhìn vào số liệu thống kê này, chúng ta không khỏi vui mừng bởi thị trường Đức được xem là cửa ngõ của châu Âu, vào được đây, các DN Việt Nam như là đã có giấy thông hành XK vào châu Âu. Tuy nhiên, nếu phân tích từng nhóm hàng xuất nhập khẩu hàng đầu của hai nước thì nhóm hàng điện thoại và linh kiện đứng đầu (sản phẩm XK chủ yếu là của các DN FDI), các nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam như thủy hải sản; cà phê; túi xách, ví, ba lô, mũ, ô… vẫn lẹt đẹt ở tốp cuối.
Đặc biệt, bà Đào Thu Nga, đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, cho biết nhiều DN của Đức có trao đổi với chúng tôi là muốn tìm kiếm chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam như DN sản xuất bao bì, nhựa… Tuy nhiên, khi chúng tôi trao đổi với DN Việt Nam thì câu trả lời nhận được chủ yếu là không biết có sản xuất được hay không, "chúng tôi" không có khả năng đáp ứng yêu cầu đó vì tiêu chuẩn quá cao.
Ts. Vũ Huy Thủ, nguyên Phó Cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết thời gian vừa qua, ngành thủy sản đã XK thủy sản sang Mỹ, châu Âu, châu Á, với sản phẩm chủ yếu là hải sản như cá ngừ, cá tra, ba sa… Nhưng phải nói là thị trường Đức rất khó tính, họ đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao, sản phẩm phải đạt được các yêu cầu kỹ thuật này mới được XK vào.
Theo Ts. Vũ Huy Thủ, vấn đề khó khăn nhất của ngành thủy sản là muốn hiểu rõ được các quy chuẩn và tiêu chuẩn mà đối tác đưa ra thường phải yêu cầu các chuyên gia từ Đức sang trực tiếp làm việc với Hiệp hội và các DNXK. Điều này chiếm một chi phí khá cao và ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của DN. Cộng thêm việc tìm đầu mối liên hệ để hợp tác cũng cực kỳ vất vả.
Bên cạnh đó, đại diện một DN sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cũng chia sẻ dù đã quen với XK sản phẩm truyền thống sang Đức nhưng hiện nay DN vẫn gặp phải vấn đề về chất lượng. Do các đơn vị trung gian thu mua và ép giá sản phẩm, dẫn đến người sản xuất lại bớt nguyên liệu sản xuất và chất lượng sản phẩm kém. Nghiêm trọng hơn, DN mất uy tín với đối tác.
Cùng với đó, vấn đề tìm bạn hàng tin cậy hợp tác cũng khiến nhiều DN gặp rắc rối khi một đại diện DN chuyên về sản xuất bao bì lo lắng cho biết, "rủi ro mà công ty gặp phải hiện nay đó là bạn hàng bên Đức của chúng tôi bị phá sản. Nhưng DN chưa biết làm gì và cách thức nộp hồ sơ như thế nào để giảm thiểu tổn thất cho DN".
Thách thức từ chất lượng
Trước những trăn trở của nhiều DN Việt Nam, ông Benno Bunse, Cục trưởng Cục Thương mại và Đầu tư (GTAI) CHLB Đức, cho rằng khi DN quyết định XK sang châu Âu mà cụ thể từ Đức, DN cần phải tự tìm hiểu thông tin về yêu cầu của thị trường. DN hãy liên lạc để có tư vấn pháp lý từ các công ty luật hay các tổ chức tín dụng ở Đức để tư vấn về tài chính. Đồng thời, Đức sẽ không ưu tiên cho bất kỳ một ngành nghề nào, mà sẽ hỗ trợ DN bằng các dịch vụ tốt nhất.
Thực tế, DN Việt Nam đang đứng trước sức ép cạnh tranh lớn không chỉ ở thị trường Đức, tuy nhiên, theo các chuyên gia, cạnh tranh không quan trọng bằng cách ứng xử như thế nào trong cuộc tranh này. Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng việc hỗ trợ các DN tiếp xúc trực tiếp với đối tác thông qua nhiều kênh chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là DN có tự khẳng định chất lượng của mình không.
Theo ông Sơn, câu chuyện ép giá là thực tế của thị trường, tuy nhiên đôi khi khách hàng sẵn sàng chịu giá cao hơn nếu chất lượng tốt. DN nên cân nhắc xem có nên tạo ra sản phẩm kém chất lượng để rồi tồn tại trong chốc lát và biến mất khỏi thị trường không. Yêu cầu của khách hàng cao không phải là người ta đánh đố DN, mà đó là tiêu chuẩn chung, là nhiệm vụ mà DN phải đáp ứng.
Đồng quan điểm này, bà Nga cũng nhận định, việc giảm thuế để tăng tính cạnh tranh chưa phải là tất cả, mà quan trọng hơn vẫn là chất lượng sản phẩm của DN phải ổn định. Thay vì trả lời không đáp ứng được đơn hàng của đối tác, tại sao DN không đầu tư vào kỹ thuật, con người để sản phẩm đảm bảo chất lượng và số lượng, cũng như cạnh tranh với hàng hóa từ các quốc gia khác. DN không thể ngồi chờ đối tác tự thay đổi quy định, đó là điều không thể và hãy thích ứng với nó.
Lê Thúy