![]() |
Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng BPO năm 2015
Đây là một bước nhảy vọt của Việt Nam, bởi năm 2014, Việt Nam mới chỉ xếp ở vị trí thứ 5. Với vị trí quán quân của năm nay, Việt Nam đã vượt xa cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Dựa trên việc phân tích các yếu tố về chi phí, rủi ro và các điều kiện hoạt động, kết quả đánh giá của Cushman & Wakefield cho thấy thị trường hấp dẫn nhất của BPO trong môi trường toàn cầu hiện nay thuộc về Việt Nam.
Một điểm đáng lưu ý là giá trị tổng thể không được tính đến trong danh sách này. Chính vì vậy, khi tính cả tiêu chí giá trị tổng thề thì nước giành vị trí thị trường BPO lớn nhất thế giới lại thuộc về Ấn Độ. Đất nước có 2,8 triệu nhân công và 19 tỷ USD giá trị xuất khẩu các dịch vụ BPO trong năm 2014. Tiếp sau đó đến các nước như Philippines,Trung Quốc, Brazil, Nam Phi và Sri Lanka.
Nhìn nhận thị trường BPO Việt Nam, ông Richard Middleton, giám đốc của Cushman & Wakefield, cho rằng VN đang được hưởng lợi từ nhiều chính sách của chính phủ nhằm thúc đẩy lĩnh vực gia công phần mềm. Hơn nữa, số lượng dân số ở phân khúc trong độ tuổi lao động dưới 30 tuổi của Việt Nam đang ngày càng tăng. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người tham gia vào thị trường lao động.
Các chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng giúp ngành công nghiệp phần mềm phát triển với tốc độ nhanh chóng với hơn 1000 công ty và lực lượng lao động lên tới 80.000 người.
Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những nhà gia công phần mềm xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhà cung cấp dịch vụ BPO và gia công công nghệ thông tin lớn thứ hai của Nhật Bản, chỉ sau Philippines.
Ông Richard Middleton nhận định: "Mặc dù không phải là nơi có dịch vụ gia công phần mềm rẻ nhất thế giới, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến rất cạnh tranh so với các quốc gia khác. Hơn nữa, việc chi phí lao động tại Ấn Độ và Trung Quốc tăng trong thời gian gần đây cũng là một lý do đưa Việt Nam lên vị trí dẫn đầu năm 2015”.
Thị trường BPO toàn cầu năm 2015 dự kiến sẽ đạt doanh thu khoảng 93,4 tỷ USD.
BPO được biết đến với những thuật ngữ như “Thuê ngoài tác nghiệp”, “Dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp”, “Thuê ngoài qui trình kinh doanh”, hay “Dịch vụ nghiệp vụ doanh nghiệp” để chỉ việc thuê ngoài một đối tác cung cấp các dịch vụ quản lý hằng ngày, quy trình thanh toán, chăm sóc khách hàng, nhập dữ liệu… để giúp một doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn cho các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. |
Thành An